Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét giảm thuế đối với xăng dầu

(PLVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định bổ sung vào chương trình Phiên họp thứ 9 về việc xem xét thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Quang cảnh Phiên họp thứ 9, đợt 1.

Theo đó, Phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV sẽ bổ sung nội dung họp, thông qua Nghị quyết chất vấn tại Phiên họp 9 và xem xét thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Đồng thời, bỏ nội dung xem xét, cho ý kiến dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và cho ý kiến tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu.

Liên quan đến Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, sau hôm chất vấn ngày 16/3 vừa qua, Chính phủ đã có tờ trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo đề xuất giảm thuế. Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã họp thẩm tra đề xuất của Chính phủ, bảo đảm đưa nội dung ra Phiên họp thứ 9 đợt 2 (dự kiến từ ngày 22-25/3).

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng vừa có Thông báo số 786/TB-TTKQH Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo kết quả bước đầu việc thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021” và Thông báo số 773/TB-TTKQH Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo

Theo Thông báo 786, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với kết quả bước đầu của cuộc giám sát và dự kiến Kế hoạch khảo sát tại địa phương của Đoàn giám sát; đồng thời, đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Đoàn giám sát, ghi nhận tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc xây dựng các báo cáo, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn giám sát.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Đoàn giám sát tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện tốt nhất kết quả giám sát; khẩn trương tiến hành việc khảo sát tại một số địa phương và làm việc với các bộ, ngành liên quan để làm rõ thêm những vấn đề thuộc nội dung chuyên đề giám sát, đánh giá chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hiệu quả việc sử dụng ngân sách nhà nước và việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở các đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đoàn giám sát trong việc chuẩn bị báo cáo, cung cấp thông tin, số liệu cần thiết theo yêu cầu của Đoàn giám sát, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ và tham gia các hoạt động của Đoàn giám sát khi có yêu cầu.

Theo Thông báo 773, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn 02 năm nhưng vẫn còn một số đoạn tuyến chưa được hoàn thành để nối thông toàn tuyến. Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án còn có những hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc. Đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ, toàn diện và tổ chức rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Dự án không đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội; cần làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của Trung ương, địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến đối với báo cáo tổng thể của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội, đồng thời xem xét, quyết định các nội dung liên quan tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022. Theo đó, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh báo cáo theo hướng thực hiện tiếp các đoạn tuyến đang dở dang và tổng kết, đánh giá kết thúc dự án, thực hiện quyết toán dự án theo quy định.

Đối với các đoạn tuyến còn lại, Chính phủ rà soát nhu cầu, đánh giá hiệu quả đầu tư trong điều kiện có nhiều tuyến đường đã và đang triển khai, sự phù hợp với quy hoạch giao thông và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, khả năng huy động nguồn lực của xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo từng đoạn tuyến. Về nguyên tắc, đối với các đoạn tuyến cụ thể, phải bố trí vốn để hoàn thành toàn tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội.

Trước mắt, cần rà soát, sắp xếp lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để cân đối đầy đủ, kịp thời nguồn vốn đầu tư đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn kết nối giao thông của An toàn khu Định Hóa-Thái Nguyên; đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận kết nối giao thông đồng bằng sông Cửu Long nhằm thông tuyến đường Hồ Chí Minh quy mô 2 làn xe.

Cần rà soát, báo cáo làm rõ về việc đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến có nằm trong phạm vi đường Hồ Chí Minh cần hoàn thành theo Nghị quyết của Quốc hội hay không và có đề xuất cụ thể về bố trí vốn cho đoạn tuyến này. Chú ý công tác bảo dưỡng, chống xuống cấp ở một số đoạn, tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại của các dự án, các tuyến đã được đầu tư ở khu vực Tây Nguyên, nhất là việc di dời trạm thu phí ở Đắk Lắk…

Đọc thêm