Thương vụ Việt Nam nối dài 'Biên giới mềm' quốc gia - Bài 1: 'Bắc cầu' vạn dặm cho hàng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng hóa Việt Nam đã có một hành trình dài cả thời gian, không gian để vượt qua biên giới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện diện trong đời sống kinh tế của người bản địa. Đó là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sự góp sức quan trọng của hệ thống cơ quan Thương vụ trong quá trình hiện thực hóa chính sách ngoại giao kinh tế của Việt Nam.
Sản phẩm gạo của Việt Nam trong một siêu thị ở Cộng hòa Pháp.
Sản phẩm gạo của Việt Nam trong một siêu thị ở Cộng hòa Pháp.

Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài như những “sứ giả” kinh tế, những “cánh tay nối dài” giúp cho những thương hiệu Việt đi xa hơn, qua đó lan tỏa và quảng bá hình ảnh Việt Nam, góp phần mang ngoại tệ về cho đất nước...

Trung tâm xuất khẩu hàng hóa của thế giới

Khoảng 15 năm trước đây, một người Việt Nam đi du lịch châu Âu, vào một trung tâm thương mại lớn ở Hà Lan, chọn mua một bộ quần áo và phụ kiện thể thao của một thương hiệu nổi tiếng thế giới để làm quà cho người thân. Nhưng sau đó, người nhà phát hiện đấy là hàng… “Made in Vietnam”. Câu chuyện này được kể đi kể lại rất nhiều lần trên trang mạng xã hội lúc bấy giờ vì “quá bất ngờ”!

Chừng 10 năm trước, khi hàng hóa “Made in Japan” vẫn được coi là biểu tượng của chất lượng thì nhiều chuyên gia kinh tế và cả giới doanh nhân cũng đã bày tỏ mong muốn, hy vọng đến một ngày nào đó, dòng chữ “Made in Vietnam” cũng được tin tưởng như thế, trên toàn cầu.

Thực tế hiện nay, với đường lối đúng đắn về hội nhập quốc tế nói chung và về hội nhập kinh tế nói riêng của Đảng và Nhà nước ta, hàng “Made in Vietnam” đã đi khắp thế giới, có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam trở thành điểm đến của những công ty đa quốc gia. Những thương hiệu thời trang xa xỉ hay những sản phẩm kỹ thuật công nghệ cao của những công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới cũng không ngần ngại gắn mác xuất xứ từ Việt Nam trên sản phẩm hàng hóa của mình.

Sau một thời gian kiên định đường lối mở cửa phát triển kinh tế, Việt Nam đã có tên trong top 30 quốc gia, vùng lãnh thổ có giá trị xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trên thế giới. Việt Nam cũng trở thành một nền kinh tế có độ mở cao nhất trên thế giới, cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện, chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu ổn định trong nhiều năm liền. Điều đó được coi là kỳ tích khi trước giai đoạn này, việc thâm hụt thương mại luôn “tái đi, tái lại” nhiều năm.

Cụ thể, từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, ngoại giao kinh tế đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước, góp phần mở mang thị trường xuất khẩu… giúp đất nước liên tục đạt thặng dư thương mại ở mức cao.

Một thống kê về thương mại thế giới gần đây của WTO cho thấy, trong số 50 quốc gia có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí 23 sau đó chỉ 10 năm (năm 2019). Năm 2023, dù kim ngạch xuất nhập khẩu giảm theo bối cảnh chung của toàn cầu, nhưng cán cân thương mại tiếp tục giữ vững năm thứ 8 liên tiếp, với mức thặng dư rất lớn, lên tới 28 tỷ USD.

Ông Tạ Hoàng Linh.

Ông Tạ Hoàng Linh.

Mô hình hợp tác “4 bên”

“Việc xuất khẩu gạo Việt Nam sang châu Âu không phải là việc mới, tuy nhiên đưa được gạo có thương hiệu của Việt Nam lên kệ hệ thống phân phối lớn ở Pháp là hết sức ý nghĩa. Bởi với gần 600 đại siêu thị và hàng trăm các siêu thị nhỏ trên toàn lãnh thổ Pháp, E.Leclerc là một trong những hệ thống bán lẻ lớn nhất quốc gia này và châu Âu. Kết quả đó khẳng định tính hiệu quả của mô hình hợp tác “4 bên”: Thương vụ - Kênh phân phối nước ngoài - Địa phương - Doanh nghiệp xuất khẩu”

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương)

Việc mở rộng thị trường xuất khẩu để hàng hóa “Made in Vietnam” hiện diện ngày càng sâu rộng trên thế giới cũng đã đạt những kết quả nhất định. Nếu như năm 2014, Việt Nam chỉ có 27 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó có 3 thị trường trên 10 tỷ USD, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản), thì gần 10 năm sau - năm 2022, đã có 33 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó, 6 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 16 thị trường trên 5 tỷ USD…

Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, người từng để lại nhiều dấu ấn trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam - từng chia sẻ rằng, trong bối cảnh quốc tế mới, các nước lớn đều muốn phát huy ảnh hưởng của họ đối với các nước khác theo học thuyết “sức mạnh mềm”, “biên giới mềm”. Một trong các yếu tố của “sức mạnh mềm”, “biên giới mềm” chính là sự thâm nhập bằng hàng hóa, chiếm lĩnh thị trường bằng doanh nghiệp và hàng hóa.

Xét về khía cạnh này, Việt Nam đã và đang mở rất rộng “biên giới mềm” quốc gia. Ngoại giao kinh tế và hệ thống các cơ quan Thương vụ của ta ở nước ngoài đang thể hiện vai trò của mình ngày một rõ rệt.

Thương hiệu Việt “thấm” sâu vào đời sống người bản địa

Không chỉ thành công trong việc mở rộng “biên giới mềm”, Việt Nam cũng đang dồn sức cho việc định vị thương hiệu quốc gia khi tập trung thúc đẩy hàng hóa mang thương hiệu Việt hiện diện tại các hệ thống phân phối lớn của nhiều quốc gia. Rõ như sản phẩm gạo mang thương hiệu “Cơm Vietnam rice” của Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) hay các đặc sản gia vị của DHFoods và các loại sốt của Cholimex - những doanh nghiệp “thuần Việt” đã dần xuất hiện ngày một nhiều trong các hệ thống phân phối lớn ở Pháp như siêu thị Carrefour và E.Leclerc.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Vũ Anh Sơn - Tham tán thương mại tại Cộng hòa Pháp cho hay, chuỗi bán lẻ tại nước ngoài là những nhà cung cấp trực tiếp hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng tại nước sở tại. Với đặc thù đó, phân khúc thị trường này là khó chinh phục nhất. Tuy nhiên, nếu thành công sẽ có tính tiên phong, có tác động tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp hướng tới sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng và có kế hoạch phát triển bền vững.

Ông Vũ Anh Sơn - Tham tán thương mại tại Cộng hòa Pháp (thứ 2 bên trái) trong một sự kiện giao thương ở Pháp.

Ông Vũ Anh Sơn - Tham tán thương mại tại Cộng hòa Pháp (thứ 2 bên trái) trong một sự kiện giao thương ở Pháp.

“Những người làm công tác Thương vụ như chúng tôi nhận thức rõ việc đưa hàng Việt Nam tiếp cận các chuỗi phân phối nước ngoài để có thể bán tại các nước sở tại, cho người tiêu dùng bản địa, dưới thương hiệu Việt Nam là một phương thức hiệu quả, bền vững và có tầm quan trọng trong công tác xây dựng thương hiệu quốc gia. Từ đó, định vị vị trí quốc gia Việt Nam trong tâm thức người tiêu dùng bản địa”, ông Vũ Anh Sơn chia sẻ.

Vận động tài chính, công nghệ cho nông sản đi Mỹ

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã vận động một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoa quả và công ty logistics đồng ý đóng góp tài chính vào quỹ ủy thác để tạo thuận lợi cho quá trình phê duyệt cơ sở chiếu xạ. Ngoài ra, còn vận động doanh nghiệp nhập khẩu đưa chuyên gia Israel vào Việt Nam để thử nghiệm một số phương án bảo quản tối ưu sau thu hoạch, giúp kéo dài thời gian bảo quản quả vải tươi trong quá trình xử lý chiếu xạ, vận chuyển… Từ đó quả vải có hành trình thuận lợi hơn để đến thị trường Mỹ.

Xung quanh vấn đề này, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cũng cho biết, công tác xuất khẩu gạo Việt Nam sang châu Âu không phải là một việc làm mới, tuy nhiên việc đưa được gạo thương hiệu của Việt Nam lên các giá kệ của hệ thống phân phối lớn ở Pháp là thành tích hết sức có ý nghĩa. Bởi với gần 600 đại siêu thị và hàng trăm siêu thị nhỏ trên toàn lãnh thổ Pháp, thì E.Leclerc là một trong những hệ thống bán lẻ lớn nhất ở quốc gia này và châu Âu. Kết quả đó không chỉ là một bước tiến lớn trong hoạt động ngoại thương mà còn khẳng định tính hiệu quả của mô hình hợp tác “4 bên”: Thương vụ - Kênh phân phối nước ngoài - Địa phương - Doanh nghiệp xuất khẩu.

Tương tự, quả vải thiều Việt Nam vào hệ thống siêu thị ở Mỹ cũng thể hiện sự nỗ lực kết nối không mệt mỏi của Thương vụ Việt Nam tại quốc gia này. Ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết thêm, quả vải Việt Nam đã được bán tại nhiều chợ trên đất Mỹ nhưng đa phần cho người tiêu dùng châu Á. Hàng vào hệ thống siêu thị thì mới tiếp cận được với người dân bản địa.

Hành trình đưa được quả vải thiều vào hệ thống siêu thị lớn của Hoa Kỳ như Costco, Safeway, Albertsons, khó khăn nhất là khâu chiếu xạ theo yêu cầu của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS), trong khi ở Việt Nam mới có cơ sở chiếu xạ tại TP Hồ Chí Minh. Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã phải đàm phán với APHIS chấp thuận cho Việt Nam bổ sung thêm một đối tác giao dịch và ký thỏa thuận với APHIS trong quá trình phê duyệt cơ sở chiếu xạ cho sản phẩm.

“Đưa được quả vải Việt Nam vào thị trường Mỹ là một quá trình đầy thách thức nhưng nó rất tiềm năng. Đây là những bước phát triển quan trọng trong thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản giữa hai nước, mở đường cho các loại hoa quả tiềm năng khác của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Mỹ trong tương lai. Việc tăng sản lượng quả vải xuất khẩu vào thị trường này không chỉ mở ra cơ hội lớn cho nông dân Việt Nam mà còn thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan, Chính phủ và doanh nghiệp của hai nước”, ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khẳng định.

(Còn tiếp)

Đọc thêm