Tiếc bao xi măng, đặt bẫy điện gây chết người

Trong vụ án thương tâm này, ngoài 3 người con trong một gia đình phải chịu sự xét xử của pháp luật, 4 thanh niên khác cũng phải liên lụy chỉ vì một phút nông nổi...

Sáng 22/12/2011, trong cái lạnh như cắt da, cắt thịt nơi biên giới, chúng tôi có mặt tại trụ sở TAND tỉnh Lào Cai dự phiên tòa. Ở góc sân tòa, một đám đông đang vây kín chiếc xe áp tải bị cáo. Trong vụ án này, có tới 7 bị cáo phải chuẩn bị đón nhận cho mình một bản án nghiêm khắc của pháp luật vì đã tước đi mạng sống của người khác.

Tiếc bao xi măng, chăng điện hại người

Hồ sơ vụ án thể hiện: Cao Đình Nghĩa (SN 1975, ở Đội 1, xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) là đại diện bên B, ký hợp đồng kinh tế với Công ty Cổ phần Thương mại Tân Phúc Hưng nhận thi công công trình nhà điều hành và nhà nghỉ giữa ca tại Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải (thuộc phường Duyên Hải, TP.Lào Cai) từ ngày 27/7/2011.

sdfg
Nhiều người vây lấy chiếc xe chở phạm để thăm hỏi các bị cáo.

Để thực hiện công việc, Nghĩa thuê một số người gồm: Cao Đình Phúc (SN 1994), Cao Đình Đức (SN 1989), Đặng Văn Tuấn (SN 1990), Phạm Văn Dân (SN 1981), Trịnh Văn Tâm (SN 1991), Phạm Văn Tưởng (SN 1971), Đinh Thị Ngoan (SN 1966) và Nguyễn Thị Tho (SN 1980) làm công nhân xây dựng kiêm bảo vệ cho công trường đang thi công. Trong đó, Phúc và Đức là em ruột của Nghĩa.

Trong thời gian thi công, tại công trường hay xảy ra các vụ mất trộm, khi thì vài bao xi măng, khi thì một cuộn thép khiến Nghĩa rất tức giận. Nghĩa đã chỉ đạo cho Tuấn và Phúc dùng dây thép trần loại 1 ly buộc vào các đinh được đóng  vào các cột gỗ, kéo từ lối ra vào công trường đến hết phía sau lán cắm điện để đề phòng trộm.

Được sự chỉ đạo của Nghĩa, Tuấn và Phúc lấy dây thép như đã dặn chăng làm 3 đường song song dài khoảng 16m, mỗi đường dây cách nhau khoảng 30cm. Sau khi xong việc, Tuấn và Phúc báo lên Nghĩa.
Cẩn thận hơn, Nghĩa đích thân dùng một đoạn dây điện màu xanh dài 7m, 1 đầu cực dương đấu vào dây thép kéo sang đầu lán và nối 1 dây thép 1 ly vào dòng điện 220V tại vị trí gần nơi Nghĩa ngủ ở bên trong lán. Sau đó, Nghĩa nối một dây thép 1 ly từ cột điện sang đống gạch, là nơi tập kết vật liệu và cũng là nơi hay mất trộm nhất.

Ngoài ra, Nghĩa còn làm 3 biển báo có diện tích 50x50cm đề chữ: “Nguy hiểm, có điện chết người” treo ở 3 vị trí khác nhau xung quanh công trường. Ban đêm, Nghĩa thắp 3 bóng điện ở 3 tấm bảng này có công suất 200W để cảnh báo mọi người không lại gần. Thời gian Nghĩa cắm điện từ 1h15 tới 4h15 sáng hàng ngày để phòng, chống trộm.

Ngày 25/8/2011, khi việc chống trộm này diễn ra được 3 ngày thì các công nhân phát hiện thi thể một thanh niên bị điện giật chết ở lối vào công trường nên đã báo cho Nghĩa. Biết nạn nhân tử vong bởi điện mình giăng nên Nghĩa bảo Phúc, Đức, Tâm, Dân khiêng thanh niên xấu số kia ra một bãi đất trống cách nơi xảy ra vụ án khoảng 20m.

Sau đó, Nghĩa tiếp tục chỉ đạo các công nhân thu hết dây thép và biển báo nhằm xóa mọi dấu vết của việc chăng điện. Nghĩa dặn mọi người: “Cơ quan công an có hỏi thì không ai được nói gì cả. Nếu không tôi sẽ không trả lương”. Sau đó, Nghĩa chỉ đạo mọi người vẫn đi làm bình thường.

Nam thanh niên xấu số đó là anh Bùi Thanh Tùng (SN 1989, ở tổ 8, phường Lào Cai, TP.Lào Cai). Sáng 26/8/2011, bố của anh Tùng là ông Bùi Ngọc Vân không tìm thấy con nên khi nghe tin có người chết tại Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải, ông Vân đã đến nhận dạng và nhận ra con mình.

Khám nghiệm tử thi, cơ quan công an nhanh chóng tìm ra nguyên nhân tử vong của anh Tùng là do điện giật. Ngày 29/8/2011, lần lượt Nghĩa, Tâm, Dân, Phúc, Đức, Tuấn, Tưởng bị triệu tập lên cơ quan điều tra. Tại đây, tất cả đã thú nhận hành vi của mình.

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Lào Cai truy tố Nghĩa là chủ mưu, Tuấn và Phúc là người trực tiếp chăng dây điện dẫn tới hậu quả nghiêm trọng nên 3 bị can này bị truy tố về tội “Giết người” được quy định tại Khoản 2, Điều 93 Bộ luật Hình sự. Còn Dân, Tâm, Tưởng, Đức bị truy tố về hành vi “Che giấu tội phạm” quy định tại Khoản 1, Điều 133 Bộ luật Hình sự.

Nỗi niềm bậc sinh thành

Có mặt tại sân tòa, bà Ngô Thị Tiến (SN 1952, mẹ của Nghĩa, Đức, Phúc) tâm sự: “Gia đình tôi có 8 người con. Nghĩa là con trai thứ hai, đã có vợ và hai con. Đức thứ sáu, Phúc thứ bẩy, đều chưa xây dựng gia đình riêng. Hiện tại vợ thằng Nghĩa rất lao đao vì chồng nó là lao động chính trong nhà”.

Bà Tiến vừa khóc vừa chỉ vào chiếc xe áp tải: “Trong 3 đứa con dính vòng lao lý, tôi thương thằng Phúc hơn cả vì nó mới 17 tuổi. Nó cứ nằng nặc xin tôi lên đây làm cho anh nó, nghĩ mãi tôi mới cho đi, nào ngờ... Từ hôm xảy ra vụ án tới nay, tôi chả đêm nào ngủ được.

Cả hai vợ chồng vừa tìm cách xoay sở để đền bù tổn thất cho gia đình bị hại, vừa thương con nên nhiều đêm liền cả hai chúng tôi đều thức trắng”. Trước khi vụ án được đem ra xét xử, gia đình bà Tiến và các gia đình khác đã đền bù 90 triệu đồng cho gia đình ông Vân nhằm khắc phục một phần hậu quả.

Về phía người bị hại, anh Bùi Thanh Tùng vốn là một thanh niên nghiện ngập đã lâu. Tùng thường xuyên dạt nhà đi bụi và tụ tập với nhiều thanh niên xấu. Đêm hôm xảy ra vụ việc, việc Tùng có ý định vào công trường của Nghĩa quản lý ăn trộm hay không thì cho đến nay không ai xác định được.

Tuy nhiên, một công nhân ở lán bên cạnh đến tham gia phiên tòa cho hay: “Với ánh điện của đèn 200W rất sáng tại các cột treo ở công trường thì dù đứng xa tới vài chục mét cũng có thể nhìn rõ. Tuy nhiên, hành động phòng, chống trộm của Nghĩa và mọi người thực sự đáng trách. Âu đó cũng là bài học cho anh em chúng tôi tìm cách phòng tránh khác thì tốt hơn”.

Mặc dù gia đình bị hại đã có đơn xin giảm án cho các bị can trong vụ án nhưng việc phải đối mặt với một án phạt dành cho mình đối với Nghĩa và các bị can khác là điều không tránh khỏi. Nghĩa cùng các em và công nhân của mình chỉ có thể tự trách mình vì hành động không suy nghĩ, bột phát để giờ đây phải trả một cái giá rất đắt, để lại những nỗi đau không chỉ cho bố mẹ già mà cả chính gia đình mình nữa.

Dù các bị cáo đã được áp giải tới tòa, tuy nhiên đến phút cuối, phiên tòa đã không thể diễn ra do vắng mặt luật sư bào chữa cho bị cáo Cao Đình Phúc. Thời điểm phạm tội, Phúc là người chưa thành niên, thế nên sự có mặt của luật sư là điều kiện cần thiết theo quy định của pháp luật. Không được gặp các con, bà Tiến cùng nhiều bà con, họ hàng của 7 bị cáo túm tụm lại xung quanh chiếc xe áp tải để trò chuyện và hỏi han các con. Những tiếng khóc, tiếng nấc vì nghẹn ngào, vì thương chồng, thương con thi thoảng lại nấc lên khiến ai chứng kiến cũng đều bùi ngùi thương cảm...

Kỳ Anh
 

Đọc thêm