Tiêm 1 mũi COVID-19 có được không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - PGS.TS. Dương Thị Hồng cho biết, theo khuyến cáo của nhà sản xuất, đối với vaccine tiêm nhiều liều, cần tuân thủ tiêm đủ mũi để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao nhất...
Hình ảnh minh hoạ
Hình ảnh minh hoạ

Theo PGS.TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cho 6 loại vaccine phòng COVID-19 gồm: Astra do hãng Astra Zeneca (Anh) sản xuất; Comirnaty do hãng Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức) sản xuất; Moderna mRNA-1273 do hãng Moderna (Mỹ) sản xuất; Vero Cell, Inactived do hãng Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất; Janssen Ad26.CoV2 do hãng Johnson & Johnson (Mỹ) sản xuất và Spunik V do Viện Nghiên cứu Gamaleya (Nga) sản xuất.

Theo bà Hồng, ngoại trừ vaccine của hãng Johnson & Johnson, các vaccine phòng COVID-19 còn lại đều tiêm 2 liều. Đồng thời khoảng cách giữa 2 mũi tiêm của các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay là khác nhau.

Bộ Y tế đã khuyến cáo thời gian tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca mũi 1 cách mũi 2 từ 8-12 tuần; vaccine Pfizer, Sputnik V khoảng cách là 3 - 4 tuần; vaccine Moderna là 4 tuần; vaccine của Sinopharm là 3 - 4 tuần. Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu tất cả những người đã tiêm mũi 1 với loại vaccine nào thì tiêm mũi 2 bằng vaccine đó. Trong trường hợp nguồn vaccine Astra Zeneca hạn chế, chỉ có thể tiêm mũi 2 vaccine do Pfizer sản xuất cho người tiêm chủng mũi 1 vaccine Astra Zeneca (nếu người được tiêm chủng đồng ý), khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần.

"Còn đối với những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại. Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cần tiêm vaccine liều 2 theo lịch khuyến cáo. Việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch giúp cơ thể sinh ra kháng thể để phòng bệnh COVID-19", bà Hồng cho hay.

Trước câu hỏi nếu mũi 2 tiêm chậm hơn so với dự kiến có phải tiêm lại từ đầu hay không, bà Hồng lưu ý, người dân không phải tiêm lại từ đầu. Bộ Y tế sẽ nỗ lực để có nguồn vaccine trong thời gian sớm nhất; các cơ sở tiêm chủng sẽ nhắc người dân tới tiêm chủng mũi 2 sớm nhất ngay sau khi được cấp vaccine.

Các địạ phương đã có danh sách người dân chưa được tiêm mũi 2 để có kế hoạch tiêm chủng sớm nhất, đảm bảo miễn dịch đầy đủ bảo vệ phòng bệnh COVID-19. Do đó người tiêm mũi tiêm thứ hai ở một số nơi có thể chậm hơn. Đặc biệt, những người đã tiêm 1 mũi vaccine sau khi tiêm khoảng 14 ngày cơ thế đã có kháng thể giúp bảo vệ phòng bệnh COVID-19 ở mức độ nhất định trước nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là giảm thiểu nguy cơ bị bệnh nặng.

PGS.TS. Dương Thị Hồng cho biết thêm, theo khuyến cáo của nhà sản xuất, đối với vaccine tiêm nhiều liều, cần tuân thủ tiêm đủ mũi để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao nhất. Với các vaccine phòng COVID-19 có lịch tiêm 2 mũi, nếu không tiêm mũi thứ hai, sau một thời gian, nồng độ miễn dịch sẽ giảm và lâu hơn nữa sẽ không bảo vệ người tiêm 1 mũi vaccine phòng bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh COVID-19 nói riêng.

"Các nhà sản xuất đã nghiên cứu các mũi tiêm nhắc lại là rất cần thiết để đảm bảo miễn dịch bền vững. Vì vậy mọi người cần phải tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine và tuân thủ các mũi tiêm nhắc theo khuyến cáo của ngành y tế để giúp phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm", bà Hồng khẳng định.

Vaccine phòng COVID-19 chính là biện pháp quan trọng phòng ngừa các biến chứng nặng, tử vong của bệnh COVID-19 và nguy cơ lây nhiễm virus cho bản thân và người xung quanh, tiến tới bảo vệ cộng đồng. Cần tiêm vaccine COVID-19 sớm nhất khi được thông báo tiêm chủng. Đừng trì hoãn tiêm chủng, đừng vì tâm lý chờ đợi vaccine được cho là tốt hơn mà bỏ lỡ cơ hội được tiêm chủng vaccine phòng bệnh COVID-19.

Không có vaccine nào là tuyệt đối an toàn và cũng không có vaccine nào có hiệu quả bảo vệ bạn 100%. Dù đã tiêm 1 mũi hay 2 mũi vaccine, tất cả mọi người đều phải tiếp tục tuân thủ thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế cũng như của chính quyền địa phương khuyến cáo để bảo vệ cho chính bạn và những người xung quanh.

Đọc thêm