Du khách tìm về sự hoang sơ
Theo cuộc khảo sát nhu cầu khách nội địa được thực hiện bởi Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) kết hợp với VnExpress, sau dịch Covid-19, phần lớn khách du lịch lựa chọn đi du lịch biển đảo. Tuy nhiên, thay vì đến những vùng đảo quen thuộc, các hòn đảo hoang sơ, ít người trở thành nơi để tín đồ du lịch lựa chọn.
Phần lớn các đảo ven bờ này đều có khí hậu mát mẻ, ôn hòa, môi trường trong lành với những bãi tắm đẹp, không gian thiên nhiên gần như được giữ nguyên và chưa có sự khai phá nhiều của hoạt động kinh tế.
Hệ sinh thái và cảnh quan trên các đảo này cũng rất đa dạng và phong phú, là cơ sở để du lịch có thể khai thác trong tương lai. Đây là những địa điểm thích hợp để nghỉ ngơi, thư giãn, đồng thời khách du lịch có thể trải nghiệm cảm giác khám phá mới mẻ trên những hòn đảo hoang sơ gần bờ này.
Điển hình, tại địa phận tỉnh Khánh Hòa, đảo Bình Hưng chỉ cách đất liền khoảng 1km là một trong những hòn đảo đẹp nhất tại vùng, cùng với Bình Tiên – Bình Lập và Bình Ba đã tạo thành địa danh "Tứ Bình" nổi tiếng.
Tuy được mệnh danh là "Maldives của Việt Nam" với nhiều bãi tắm đẹp, tuy nhiên khu vực này chỉ mới phát triển trong những năm gần đây nhờ việc đưa vào khai thác hàng loạt tour nội địa và được giới thiệu rộng rãi hơn trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Trên đảo, các yếu tố tự nhiên vẫn giữ được nét hoang sơ, vẻ đẹp tự nhiên vốn có và chưa chịu quá nhiều tác động từ việc khai thác du lịch. Vì vậy, đây vẫn là một trong những địa điểm lý tưởng để trải nghiệm du lịch đối với nhiều người.
Hiện nay, việc phát triển du lịch trên các đảo ven bờ có sự chênh lệch giữa các vùng. Cùng là hệ thống đảo ven bờ với tiềm năng lớn để có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch, tuy nhiên, chỉ có một số tỉnh, thành khẳng định được khả năng phát triển trên các đảo, số còn lại vẫn chưa được khai thác xứng với tiềm năng.
Những cái tên như vịnh Hạ Long, Sơn Trà, Lý Sơn hay Phú Quốc tuy là điểm sáng trong việc đưa đảo ven bờ vào hoạt động du lịch nhưng dường như lại quá quen thuộc với khách. Mặt khác, dù các đảo gần bờ như Lý Sơn, Cát Bà tuy đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn chưa thể đạt tầm cỡ đảo du lịch quốc tế như Hawaii (Hoa Kỳ), Bora Bora (Polynesia), Bali (Indonesia)…
Trong khi đó, du lịch trên đảo hoang sơ ven bờ còn ảm đạm, thiếu sự liên kết với các hoạt động du lịch khác. Dù Việt Nam sở hữu tiềm năng có thể khai thác tốt để phát triển du lịch từ hệ thống đảo gần bờ nhưng việc phát triển ở các đảo hiện vẫn chưa có sự đồng bộ, đây vẫn là những “viên ngọc thô” chưa được đánh bóng.
Bảo tồn giá trị biển đảo
Tiềm năng du lịch của hệ thống đảo ven bờ Việt Nam là rất lớn bởi nơi đây chứa đựng phong phú các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân văn, là nền tảng cho việc phát triển các loại hình du lịch biển đảo. Hình thành được chuỗi “đảo ngọc” ven bờ sẽ tạo điều kiện phát triển hơn ngành du lịch, để du lịch biển đảo Việt Nam sẽ là điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới.
Trong thời gian tới, hoạt động du lịch tại các đảo, nhất là đảo ven bờ sẽ bắt nhịp lại với sự phục hồi của ngành du lịch. Đây là cơ hội để ngành du lịch các tỉnh xem xét đưa các đảo gần bờ thành những điểm đến mới, thu hút nhiều hơn khách du lịch đến các đảo. Điều này vừa phù hợp với thói quen du lịch mới của người dân sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vừa là cơ hội để đưa hệ thống đảo ven bờ vào khai thác, hình thành chuỗi đảo ngọc ven bờ theo dọc đường bờ biển của đất nước.
Bên cạnh đó, việc đưa vào khai thác du lịch tại các hòn đảo hoang sơ gần bờ không chỉ thúc đẩy du lịch vùng phát triển mà còn là cách để bảo tồn những giá trị liên quan đến văn hóa, lịch sử biển, đảo của đất nước. Hiện nay, trên nhiều đảo gần bờ lưu lại những vết tích lịch sử quan trọng, liên quan đến quá trình phát triển của dân tộc và nguồn gốc hình thành văn hóa làng biển.
Lặn biển ngắm san hô tại các đảo ven bờ. |
Trên đảo có các làng cá, di tích văn hóa và lịch sử thuần Việt phản ánh văn hóa làng chài và văn minh biển cả, hay còn gọi chung là “văn hóa ứng xử biển cả”, góp phần tạo ra các giá trị du lịch nghề cá mà đến nay chưa được khai thác và phát triển theo đúng nghĩa.
Chẳng hạn như tại Quảng Ngãi, hệ thống biển, đảo nơi đây còn được gọi là “mảnh đất vàng” về di sản. Toàn tỉnh có 66 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; trong đó có 8 di tích cấp quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh, 32 di tích được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ. Riêng tại đảo Lý Sơn, với diện tích chưa đầy 10km2 nhưng có đến 50 di tích lịch sử, văn hóa.
Đặc biệt, tại hòn đảo tiền tiêu này có cả một dấu tích đặc sắc không chỉ trong nước mà còn của cả thế giới, do núi lửa phun trào để lại và hệ thống di tích liên quan đến đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Hay trên nhiều vùng đảo ven bờ, dấu tích lịch sử của các triều đại nhà nước Việt Nam hay quần thế kiến trúc chùa, tháp trên đảo cũng là điểm đặc trưng để du lịch có thể khai thác.
Kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo
Bên cạnh ý nghĩa trong bảo tồn giá trị lịch sử, việc quy hoạch phát triển du lịch trên các đảo ven bờ này còn là cách để bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ đất nước. Hệ thống đảo ven bờ tuy chưa được khai thác có hiệu quả nhưng trong sự phát triển của đất nước, đây luôn là khu vực quan trọng, là hệ thống tiền tiêu nắm giữ vị trí chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.
Bởi vậy, việc đưa các đảo hoang sơ ven bờ vào khai thác phục vụ cho mục đích du lịch chính là để bảo vệ và giữ gìn giá trị của vùng biển đảo, của văn hóa làng biển vốn hình thành từ bao đời nay.
Việc chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch biển đảo là một định hướng đúng đắn, phù hợp với thế mạnh của ngành Du lịch Việt Nam và mang ý nghĩa đặc biệt trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.
Theo đó, chủ trương của Đảng đã chỉ rõ: Vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh, quốc phòng, do đó cần khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển và ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế - xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc.
Trong tình hình mới, du lịch biển đảo đang dần trở thành trọng tâm trong định hướng phát triển ngành du lịch thông qua các chương trình kích cầu, thu hút khách trở lại sau thời gian dài chống dịch. Bên cạnh đó, tăng cường khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của biển đảo, nhất là đảo ven bờ sẽ tạo điều kiện thu hút hơn khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.
Với nhiều chính sách thu hút khách du lịch đến Việt Nam thì du lịch biển đảo sắp tới sẽ có cơ hội lớn để phát triển. Bởi vậy, để khai thác tốt hơn tiềm năng biển đảo, công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để xây dựng đất nước cần được xem là nhiệm vụ quan trọng.
Các ngành, địa phương cần tích cực tham gia phát triển kinh tế biển, đảo cho phù hợp, đưa kinh tế nói chung và du lịch nói riêng trở thành cơ sở để bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển của nước nhà.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: “Với gần 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ tập trung vùng biển ven bờ và các quần đảo ngoài khơi thuộc quyền tài phán quốc gia, nước ta có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế đảo. Mỗi hòn đảo quý giá như một “thỏi bạc lớn” và cũng là cột mốc chủ quyền và là một “chiến hạm không thể đánh chìm” trên vùng biển của đất nước.
Không ít đảo có lợi thế địa lý, có thể xây dựng thành trung tâm kinh tế đảo với cơ sở hậu cần nghề cá và dịch vụ biển xa hiện đại. Biển gắn bó với người dân Việt từ ngàn đời, là chỗ dựa sinh kế cho hàng chục triệu người. Biển luôn gắn với quá trình sinh tồn và phát triển của dân tộc, tạo ra một trong những nét độc đáo của văn hóa Việt - văn hóa ứng xử biển cả”.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Lan - Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh: “Với hệ thống nền văn hóa cổ xưa chạy dọc chiều dài ven biển Quảng Ngãi, như văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, văn hóa Việt cổ, cùng với hệ thống di tích văn hóa tâm linh ven biển, đảo khá phong phú và kho tàng truyền thuyết, chuyện kể, dân ca, lễ hội và thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp... nếu biết kết hợp đầu tư bảo tồn và phát triển du lịch, Quảng Ngãi sẽ là điểm đến không chỉ của khách du lịch mà còn là điểm dừng chân của giới nghiên cứu văn hóa, địa chất, địa mạo trong và ngoài nước”.