Viện kiểm sát tối cao kháng nghị khiến tòa cấp dưới “chùn tay”?

Như Báo Pháp luật Việt Nam đa phản ánh, vụ tranh chấp đất rừng ở huyện Thanh Sơn tưởng chừng sẽ khép lại sau bản án phúc thẩm năm 2011, tuy nhiên, vụ việc lại rối ren thêm sau khi có kháng nghị của VKSNDTC.

Như Báo Pháp luật Việt Nam đa phản ánh, vụ tranh chấp đất rừng ở huyện Thanh Sơn tưởng chừng sẽ khép lại sau bản án phúc thẩm năm 2011, tuy nhiên, vụ việc lại rối ren thêm sau khi có kháng nghị của VKSNDTC.

Không có việc cấp giấy chứng nhận trái luật

Sau khi đưa vụ án ra xét xử, TAND huyện Thanh Sơn và TAND tỉnh Phú Thọ đều nhận định, việc các ông Nguyễn Xuân San, Đào Văn Quyết, Đào Xuân Trường và Đinh Văn Lưu (đều trú khu 2, xóm Chiềng, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn) không đồng ý trả lại diện tích đất rừng cho ông Phan Văn Chính đã được cấp sổ đỏ là không có căn cứ.  

Bởi lẽ, căn cứ vào kết quả xác minh tại Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) và UBND huyện Thanh Sơn thì hộ ông Chính được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) là căn cứ vào hồ sơ giao đất lâm nghiệp do Hạt kiểm lâm huyện Thanh Sơn lập, hồ sơ ban đầu từ đơn xin giao đất, biên bản giao nhận đất lâm nghiệp tại thực địa, vẽ bản đồ giao đất lâm nghiệp, quyết định của UBND huyện Thanh Sơn về việc giao rừng và đất lâm nghiệp cho tổ chức, gia đình và hộ cá nhân…

Căn cứ hồ sơ đã được Phòng TNMT thẩm định, hồ sơ của hộ ông Phan Văn Chính (khu 2, xóm Chiềng, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) có đủ điều kiện để cấp GCN đối với diện tích 13,2ha tại khu Đồi Đồng Nai, thửa số 07, tờ bản đồ F48-103-DA1. Và tại thời điểm cấp GCN cho ông Phan Văn Chính, Phòng TNMT huyện Thanh Sơn không nhận được đơn khiếu nại hay báo cáo của UBND xã Tất Thắng, cũng như phía ông San, Trường, Lưu và Quyết về diện tích đất có tranh chấp, nên Phòng TNMT huyện Thanh Sơn đã tham mưu để UBND huyện Thanh Sơn cấp GCN cho hộ ông Chính.

Bên cạnh đó, theo văn bản đề nghị của UBND xã Tất Thắng thì năm 2000, thực hiện Nghị định 02/CP ngày 15/1/1994 của Chính phủ về việc giao đất lâm nghiệp ổn định cho hộ gia đình cá nhân, UBND xã Tất Thắng đã thông báo tới tất cả các khu hành chính và hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất lâm nghiệp lên nhận đất và chỉ ranh giới của hộ mình.

Việc giao nhận đất lâm nghiệp đã thông báo rộng rãi được thực hiện giữa ban ngày, có đầy đủ các thành phần, lúc này không thấy hộ các ông Lưu, San, Quyết và Trường thắc mắc hay phản đối. Hồ sơ giao đất cho hộ ông Chính có chữ ký của đại diện UBND xã, đồng thời tại thời điểm này cũng không có một người nào có đơn xin cấp GCN đối với diện tích đất rừng đang sử dụng. Có nghĩa tại thời điểm này chỉ có hộ ông Chính được cấp GCN.

Cả hai cấp tòa đều xác định không có cơ sở xác định việc UBND huyện Thanh Sơn cấp GCN cho ông Phan Văn Chính có sự chồng tréo, vi phạm Luật Đất đai năm 1993 và từ khi được cấp GCN đến nay chưa có một văn bản pháp lý nào cho rằng việc ông Chính được cấp GCN là không hợp pháp…Như vậy, việc hai cấp tòa tuyên buộc các hộ ông San, Lưu, Trường, Quyết trả lại diện tích đất rừng cho hộ ông Phan Văn Chính hoàn toàn có cơ sở.

Giấy chứng nhận ông Chính được cấp ngày 20/3/2001 vẫn đang bị UBND xã Tất Thắng giữ một cách sai trái.
Giấy chứng nhận ông Chính được cấp ngày 20/3/2001 vẫn đang bị UBND xã Tất Thắng giữ một cách sai trái.

Kháng nghị khiến tòa cấp dưới “chùn tay”?

Mặc dù tại Bản án sơ thẩm ngày 24/12/2010 của TAND huyện Thanh Sơn và Bản án phúc thẩm số 48/2011/DS-PT ngày 15/7/2011 của TAND tỉnh Phú Thọ đều tuyên buộc các hộ ông San, Trường, Lưu, Quyết trả lại diện tích đất rừng cho hộ ông Phan Văn Chính…tuy nhiên, sau khi có kháng nghị của VKSNDTC và Quyết định giám đốc thẩm của TANDTC, TAND huyện Thanh Sơn đã thể hiện sự “chùn tay” ngay tại Bản án sơ thẩm số 04/2013/DS-ST ngày 28/3/2013 do ông Tạ Văn Thành làm chủ tọa.

Bản án tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Phan Văn Chính một cách khiên cưỡng, trái ngược với nhận định của chính TAND huyện Thanh Sơn trước đó và cho rằng, việc UBND huyện Thanh Sơn cấp GCN cho ông Chính khi đất đang có tranh chấp. Đây là nhận định thiếu cơ sở pháp lý bởi lẽ, ngày 20/3/2001 ông Chính đã được cấp GCN, mãi đến ngày 3/10/2001 các hộ nói trên mới có đơn kiến nghị giải quyết đất đồi rừng.

Ngoài ra TAND huyện Thanh Sơn còn áp dụng Điều 50 Luật đất đai năm 2003 để cho rằng việc cấp GCN cho ông Chính là trái pháp luật. Nhận định và áp dụng pháp luật của TAND huyện Thanh Sơn là hoàn toàn không có căn cứ, vì GCN của ông Chính đã được UBND huyện Thanh Sơn cấp năm 2001, năm 2003 Luật Đất đai mới được ban hành.

Không những vậy, phần quyết định của bản án sơ thẩm lại căn cứ khoản 1 Điều 36a Bộ luật tố tụng dân sự để xử hủy Quyết định số 419/QĐ-UB ngày 10/10/2000 của UBND huyện Thanh Sơn là không đúng pháp luật vì Bộ luật tố tụng dân sự không có điều 36a…

Một vấn đề quan trọng mà tòa án cấp sơ thẩm không xem xét đến là theo Quyết định số 02-QĐ-UB ngày 2/4/1997 của UBND xã Tất Thắng về việc tạm giao đất trồng rừng cho ông Đinh Văn Lưu tại khu đất đồi Đồng Nai 2 (phía trên) để trồng rừng với diện tích theo bản đồ 299 là 11,26ha vào mục đích trồng cây. Còn diện tích, vị trí đất ông Chính được cấp GCN tại thửa số 7, tờ bản đồ F48 – 103Da 1, có diện tích 13,2ha. Vậy diện tích đất giao cho nhóm hộ ông Lưu có phải nằm trong diện tích đất ông Chính được giao hay nằm ở đâu?

Ở đây chúng tôi chưa bàn đến nội dung kháng nghị cũng như quyết định giám đốc thẩm và sự tiền hậu bất nhất của Phòng TN&MT huyện Thanh Sơn, nhưng đã có không ít dư luận, cũng như hộ ông Chính cho rằng có điều gì đó khuất tất ở đây.

Liệu tại phiên tòa phúc thẩm ngày 9/9 tới đây, sự thật có được bảo vệ?  

PV

Đọc thêm