Sự cố đầu tiên xảy ra vào lúc 9h20 ngày 14/5. Pha A máy biến áp AT1 bất ngờ bị xì dầu ra ngoài. Hậu quả là làm mất điện máy biến áp AT1 Hiệp Hòa khi đang nhận điện từ hệ thống điện 500 kV với công suất hơn 700 MW, gây quá tải hàng loạt đường dây huyết mạch đồng thời làm điện áp khu vực giảm thấp.
“Tai nạn” khiến ngành điện buộc phải cô lập máy biến áp AT1để tiến hành kiểm tra, khắc phục, an toàn hệ thống trông chờ hết vào máy biến áp AT2 còn lại. Oái ăm thay, đúng 1 tuần sau, đúng vào sáng sớm ngày 21/5, cỗ máy này cũng lăn đùng ra “chết”, không hẹn mà gặp cùng một hiện tượng bất ngờ xì dầu ra ngoài.
Sự cố làm mất điện máy biến áp AT2 Hiệp Hòa, đang nhận điện từ hệ thống 500 kV với công suất cũng gần 700 MW. Tiếp tục làm nhảy hàng loạt đường dây trọng yếu ở phía Bắc và tụt giảm nghiêm trọng điện áp khu vực.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dường như muốn giấu nhẹm sự cố này, nhưng điều mà người dân không thể không thấy đó là tình trạng mất điện tại các trạm 110 kV qua các đường dây Hòa Bình – Việt Trì của các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lao Cai, Sơn La, Lai Châu, mà tổng công suất mất có thể lên tới gần 600 MW. Nguy hiểm hơn, 2 vụ “xì dầu” vô tiến khoáng hậu trong lịch sử ngành điện này còn đe dọa tới khả năng đảm bảo cấp điện cho khu vực Thủ đô Hà Nội.
Theo nguồn tin của chúng tôi, cho đến nay cả 2 sự cố này vẫn chưa được khắc phục mặc dù ngành điện đang loay hoay đấu gộp 2 trạm AT1 và AT2 để “chữa cháy”.
Xài hàng “Tàu”
Trao đổi với phóng viên về vụ việc này, các chuyên gia lâu năm trong ngành điện tỏ ra hết sức quan ngại. Lý do: thứ nhất, vì đây có thể nói là lần đầu tiên sau khi vận hành đường dây 500 kV Bắc – Nam lại xẩy ra sự cố liên tiếp đối với một trạm biến áp chiến lược; thứ hai, cả hai máy biến áp này đều là hàng Trung Quốc và gặp sự cố liền ngay sau khi hết hạn bảo hành.
Lần ngược lại thời gian. Do nhu cầu phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc bộ, năm 2007 Chính phủ đã phê duyệt dự áp lắp đặt trạm 500 kV Hiệp Hòa. Trạm này có nhiệm vụ cung cấp điện cho khu vực Đông Bắc, nhằm mục tiêu đảm bảo nguồn năng lượng chiến lược, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng. Sauk hi đi vào vận nhành, trạm lấy điện từ Nhà máy Thủy điện Sơn La và của cả hệ thống điện quốc gia.
Vào cuối năm 2011, trạm được lắp đặt 2 máy biến áp 500/220/35 kV với công suất 900 MW mỗi máy. Như vậy, trạm Hiệp Hòa có công suất là 1.800 MW, lớn nhất khu vực Đông Dương và gần bằng công suất của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (1.920 MW). Công trình chiến lược như vậy, nhưng nhà cung cấp lại là một cái tên đến từ Trung Quốc: hãng XIAN XD.
“Tiền nào của nấy”
Tháng 3 năm 2012, trạm Hiệp Hòa chính thức đóng điện. Cho đến trước khi sự cố “xì dầu” xẩy ra, 2 máy biến áp này chỉ vận hành khoảng 60 – 70% công suất định mức. Và như một lời nguyền, vừa hết hạn bảo hành thì cả hai cùng hư hỏng nặng lần lượt chỉ trong vòng đúng 1 tuần.
Khi AT1 bị hư hỏng, ngành điện phải cắt đột xuất gần 700 MW. Máy AT2 hư hỏng tiếp, ngành điện lại phải cắt thêm gần 600 MW. Hậu quả là không biết đã có bao nhiêu nhà máy, công xưởng phải ngừng sản xuất. Thiệt hại khó có thể đong đếm hết.
“Chúng tôi đồng ý rằng trên hệ thống điện có xác suất rủi ro nhưng không phải cả 2 máy biến áp cùng xảy ra gần như đồng thời” – một chuyên gia lâu năm trong ngành điện bình luận. “Độ tin cậy của hệ thống điện ở đâu? Chưa nói đến khi mất điện tại trạm 500 kV Hiệp Hòa, hệ thống phải vận hành quá tải làm cho các đường dây khác, các trạm khác quá tải” – vị này nêu câu hỏi.
Theo tài liệu của Pháp luật Việt Nam, các tiêu chuẩn đặt ra của ngành điện đều là tiêu chuẩn của châu Âu hoặc tiêu chuẩn Mỹ. Thực tế thì hầu hết các máy biến áp được lắp đặt trên hệ thống điện hiện nay trên 90% cũng là hàng châu Âu với các nhà sản xuất có uy tín. Thực nghiệm vận hành mấy chục năm qua đều cho thấy rất đảm bảo an toàn, tin cậy. Không hiểu tại sao, thời gian gần đây EVN ồ ạt mua hàng Trung Quốc.
“Chúng ta mua hàng của châu Âu, giá có thể lên tới 100 trăm tỷ đồng nhưng dùng được 30 năm, trong khi chọn mua Trung Quốc, chỉ 60 tỷ đồng nhưng tuổi thọ của nó chỉ được 2 năm. Quan chức ngành điện giải thích ra sao về bái toán kinh tế này” – vị chuyên gia nêu ý kiến.
Như Pháp luật Việt Nam đã đưa trong bài viết “Ham chọn thầu giá rẻ, dễ mắc bẫy Trung Quốc” và bài “Bài học đau từ đấu thầu với Trung Quốc” gần đây, thực trạng khiến giới quan sát không thể cắt nghĩa được là vì sao gần đây EVN lại ham xài đồ Trung Quốc đến vậy.
Con số thống kê do Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội công bố trước đây xác thực, tính đến năm 2010, có đến 90% các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim. Còn theo khảo sát của Viện Nghiên cứu cơ khí, Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì có 15 công trình được phía Trung Quốc làm tổng thầu.
“So với 2 cú sốc trên thị trường chứng khoán sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, xẩy ra hôm 08/5 và 12/5, khiến nhà đầu tư bị “bốc hơi” hàng ngàn tỷ đồng, sự cố xẩy ra ngày 14/5 và 21/5 tại trạm Hiệp Hòa cũng gây thiệt hại không kém cho nền kinh tế” - một chuyên gia điện lực (xin giấu tên)