“Tiền mất, tật mang”, nhiều phụ nữ châu Phi hối hận vì kem trắng da

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Một suy nghĩ đang ăn sâu vào tâm tưởng của nhiều người châu Phi rằng: “Một làn da trắng là con đường dẫn đến thành công trong sự nghiệp và hạnh phúc trong tình yêu”. Không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông, không chỉ các bạn trẻ mà cả các bà, các cô trung tuổi cũng giữ tư duy này.
Nhiều sản phẩm trắng da được bày bán tràn lan ở châu Phi.
Nhiều sản phẩm trắng da được bày bán tràn lan ở châu Phi.

Ước tính cho thấy, khoảng 70% phụ nữ ở Tây Phi sử dụng các loại kem làm trắng da hàng ngày. Những người giàu hơn hay giới trẻ có nhiều lựa chọn hơn. Xu hướng mới nhất là uống thuốc chứa chất làm trắng da hoặc tiêm trắng, truyền trắng. Mỗi liệu trình 5 ngày có giá khoảng chục triệu đồng.

Đội mũ rộng vành bảo vệ gương mặt khỏi ánh nắng, bà Jeanne, 63 tuổi, một trong nhiều phụ nữ Cameroon, quốc gia ở Trung Phi sử dụng các sản phẩm làm trắng da trong nhiều năm liền và giờ hối hận khi bị mắc bệnh ung thư da. Sau khi một nốt tổn thương xuất hiện trên mặt hơn 5 tháng, bà đi khám và được chẩn đoán mắc một trong số các bệnh ung thư da phổ biến nhất. Bác sĩ cho hay căn bệnh liên quan tới việc bà sử dụng sản phẩm làm trắng da trong 40 năm qua.

Còn đối với những người như Annette, một sinh viên 20 tuổi, hậu quả mà mỹ phẩm làm trắng da để lại rất nặng nề. Cô cho hay thường xuất hiện vết đỏ trên mặt, bong tróc da, thậm chí bỏng da. “Dưới cái nắng gay gắt, mặt tôi nóng rực và buộc phải ngừng sử dụng kem bôi da”, cô nói.

Cô gái Pascaline Mbida có cảm nhận khác. “Tôi nhận thấy đàn ông bị thu hút bởi phụ nữ có làn da sáng hơn. Tôi càng xác nhận điều này khi đi làm trắng da. Trước đây tôi không được chú ý như thế”, cô nói. Nhưng chi phí làm đẹp cũng khiến Mbida đau đầu vì cô đang thất nghiệp. Mỗi tháng, cô mất 45 USD cho tiền mỹ phẩm, trong khi mức lương tháng tối thiểu ở Cameroon là 55 USD.

Theo Hiệp hội Da liễu Cameroon (Socaderm), số liệu thống kê năm 2019 cho thấy gần 30% người dân ở Douala, thủ phủ kinh tế của Cameroon và gần 1/4 nữ sinh sử dụng các sản phẩm làm trắng da, từ thuốc bôi đến thuốc uống.

Ở Cameroon, các sản phẩm làm trắng da độc hại vẫn được bày bán tràn lan trên đường phố và một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn tỏ ra ưa chuộng những sản phẩm này. Các sản phẩm mang tên “Trắng tức thì” hay “Siêu trắng” nổi bật trên kệ bán hàng với hình ảnh quảng cáo những phụ nữ có làn da trắng sáng.

Trong các sản phẩm làm trắng da, nhiều sản phẩm trong số đó chưa được kiểm định chất lượng và chứa hàm lượng cao hóa chất nguy hiểm như hydroquinone và thủy ngân. Trong đó, hydroquinone đã bị cấm ở Liên minh Châu Âu từ năm 2001 vì nguy cơ gây ung thư và đột biến gene. Thế nhưng trên thực tế, hydroquinone là một trong những chất được sử dụng nhiều nhất trong các sản phẩm làm trắng da ở Cameroon.

Tiến sĩ Meledie Ndjong - bác sĩ chuyên ngành Da liễu cho biết: “Cứ 10 bệnh nhân chúng tôi tư vấn lại có 3 người muốn làm trắng da. Tôi nghĩ đây là vấn đề y tế cộng đồng rất đáng lưu tâm, bởi số người muốn thay đổi sắc tố da tự nhiên quá lớn”.

Còn tại Nigeria, trên các nền tảng như Facebook, Instagram và TikTok, các nhà cung cấp rao bán nhiều sản phẩm kem, huyết thanh kèm lời hứa hẹn về làn da đẹp, trắng muốt như mong muốn. Song, có rất ít thông tin chi tiết về thành phần của chúng.

Ngoài ra, hàng nghìn video đầy rẫy, hướng dẫn cách làm trắng da tại nhà bằng các loại kem trộn không rõ nguồn gốc, từ những người không có bằng cấp nào về da liễu. Riêng trên TikTok, hashtag #skinwhitening có hơn 254 triệu lượt xem, trong khi #skinlightening có 62 triệu lượt xem.

Bà Anita Benson, bác sĩ da liễu tại Nigeria và là người sáng lập tổ chức chống lại các phương pháp làm sáng da có hại ở châu Phi, phát biểu: “Mạng xã hội đã thành công cụ lớn nhất để quảng bá cho các sản phẩm làm trắng da”.

Trong những năm qua, Benson đã điều trị cho nhiều bệnh nhân gặp vấn đề da liễu sau khi tự ý sử dụng kem trộn. Cô lo ngại rằng mạng xã hội đang càng khắc sâu ý niệm sai lệch về màu da tới cộng đồng: niềm tin rằng làn da trắng mới là chuẩn mực của cái đẹp, sự giàu có.

Nữ bác sĩ Benson cho biết các loại kem trộn tự sản xuất, vốn không rõ xuất xứ và chắc chắn không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn, càng đáng nghi hơn khi đến cả thành phần bên trong cũng bị giấu nhẹm. “Những người bán chỉ nói với người quan tâm rằng đó là một công thức bí mật, hoàn toàn tự nhiên”, cô cho hay.

Thực tế, những bệnh nhân của Benson khi đến chữa trị thường có dấu hiệu phát ban, bong tróc da rõ, hậu quả của việc dùng đồ dưỡng da có chứa steroid. Trong khi bệnh nhân “tiền mất, tật mang” vì mong muốn có da trắng sáng, những người bán hàng và tích cực tiếp thị kem trộn lại không phải chịu trách nhiệm nào vì bán đồ lỗi, kém chất lượng. Khi khách hàng phàn nàn và đòi bắt đền, người bán thường chặn luôn liên lạc hoặc biến mất.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỹ phẩm làm trắng da rất phổ biến ở nhiều nước châu Phi, châu Á và vùng Caribe. Khách hàng có cả phụ nữ và đàn ông, cũng như những người da sẫm màu ở châu Âu và Bắc Mỹ. Các sản phẩm làm trắng da khác bao gồm thuốc, viên nén, thậm chí thuốc tiêm truyền.

Tiến sĩ Meledie Ndjong cảnh báo một số chất khi vào cơ thể có thể gây tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp hoặc suy gan, suy thận. Bất chấp những cảnh báo, nhiều khách hàng vẫn tin rằng mình sẽ xinh đẹp hơn sau khi sử dụng kem làm trắng da. “Tiêu chuẩn về vẻ đẹp do truyền thông, quảng cáo và tiếp thị tuyên truyền lâu nay đã củng cố thành kiến rằng da sáng màu đẹp hơn da sẫm màu”, ông nói.

Nhà xã hội học Achille Pinghane Yonta, Đại học Yaounde, cho rằng lý do các loại kem làm trắng da vẫn được ưa chuộng là do tâm lý “muốn có vẻ ngoài giống như người phương Tây”. “Đây là quan điểm từ xưa. Thậm chí, ở một số vùng, của hồi môn của phụ nữ có làn da sáng thường nhiều hơn người da sẫm màu”, ông nói.

WHO năm 2019 cho hay “ngành công nghiệp làm trắng da là một trong những ngành phát triển nhất thế giới”, ước tính trị giá 31,2 tỷ USD năm 2024. Thị trường mỹ phẩm và sản phẩm vệ sinh cá nhân ở Cameroon tăng 7% năm 2020 và trị giá khoảng 580 triệu USD.

Tuy nhiên, mới đây Bộ Y tế Cameroon đã ban hành lệnh cấm đối với các sản phẩm làm trắng da độc hại sau khi ghi nhận nhiều trường hợp mắc ung thư da. Theo đó, từ ngày 19/8/2022, Cameroon đã cấm nhập khẩu, sản xuất và phân phối các sản phẩm mỹ phẩm và vệ sinh cá nhân có chứa các chất nguy hiểm như hydroquinone và thủy ngân. Nhiều cuộc truy quét đã diễn ra trên khắp thành phố Doula, tịch thu một lượng lớn những sản phẩm làm trắng da độc hại.

Bộ Y tế Cameroon khuyến cáo người tiêu dùng nước này cần phải tỉnh táo, tránh tìm đến chợ đen để mua các sản phẩm làm trắng da độc hại. Nhiều trường hợp mắc tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp, hoặc suy gan, thận, thậm chí ung thư đã được ghi nhận tại nước này, được cho là liên quan đến các sản phẩm làm trắng da độc hại.

Đọc thêm