Tiên Sa “bắt tay” nhiều hãng tàu lớn, giúp Vinalines “lột xác”

(PLVN) - Tiên Sa (thuộc Công ty CP Cảng Đà Nẵng) là cảng biển quan trọng của miền Trung trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, trong những năm qua có tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng, góp phần bù đắp cho lĩnh vực vận tải biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trong bối cảnh doanh nghiệp  này đang trong cơ cấu lại hoạt động.
Năm 2019, Cảng Tiên Sa đón nhiều chuyến tàu du lịch, trong đó có các tàu cỡ lớn như Costa Atlantica
Năm 2019, Cảng Tiên Sa đón nhiều chuyến tàu du lịch, trong đó có các tàu cỡ lớn như Costa Atlantica

Làm ăn với hơn 10 hãng tàu quốc tế

Theo ông Trần Lê Tuấn - Chủ Tịch HĐQT, Quyền Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng, cảng Tiên Sa có tuổi đời 118 năm. Hiện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang nắm giữ 70% cổ phần tại cảng này. Về hoạt động kinh doanh, theo ông Tuấn, từ năm 2018 trở lại đây, lượng hàng container qua cảng Tiên Sa tăng đột biến tới 29% nhờ các hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu làm giấy cho các nhà máy ở Lào.

Bên cạnh container, cùng với hàng rời đã đưa khối lượng hơn 8 triệu tấn hàng hóa qua cảng trong năm 2018, bình quân tăng 7,2% so với cùng kỳ. Tiên Sa là 1 trong 5 cảng hoạt động có lãi của Vinalines khi năm 2018, mức lãi tăng 20% so với năm 2017, lợi nhuận tăng 17% đạt 215 tỷ đồng (chiếm hơn 20% lợi nhuận của Vinalines), góp phần bù đắp cho lĩnh vực vận tải biển của Tổng công ty đang trong  quá trình cơ cấu lại hoạt động.

Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, hiện nay, Tiên Sa có hơn 20 hãng tàu ký hợp đồng, trong đó hơn một nửa là các hàng tàu nước ngoài. Bên cạnh hàng hóa, Tiên Sa cũng đón 110 tàu du lịch/năm, với khoảng 10.000 khách du lịch quốc tế. Mặc dù thu từ loại hình này chỉ chiếm 5% doanh thu của Tiên Sa, nhưng có tác động rất lớn tới phát triển du lịch của TP.Đà Nẵng..

Trong chuyến thăm cảng mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Vinalines và cảng Tiên Sa đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp logistics, góp phần thúc đẩy chuỗi sản xuất hàng hóa trong nước cũng như của khu vực. Trước kiến nghị đầu tư 100 tỷ đồng vào Tiên Sa để làm luồng quay cho tàu tải trọng lớn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Cảng Đà Nẵng báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để trình Chính phủ xem xét, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Được biết, trong năm 2019, Cảng Đà Nẵng có sự phát triển vượt bậc với tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt mức tăng trưởng gần 20% (trong đó container dự kiến tăng 29,6%), doanh thu tăng hơn 16%, lợi nhuận tăng trên 20%. Cũng trong năm nay, Cảng Đà Nẵng đã đón hơn 112 chuyến tàu du lịch, tăng 4% so với năm 2018, trong đó có các tàu cỡ lớn như Costa Atlantica, World Dream...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm Công ty CP Cảng Đà Nẵng
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm Công ty CP Cảng Đà Nẵng 

Mục tiêu thành trung tâm logistics miền Trung

Ông Lê Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc Vinalines cho biết, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển ngành logistics, trong đó hướng đến trở thành trung tâm logistics của khu vực miền Trung. Theo ông Trung, với xu thế hiện nay, khi giao thương hàng hóa thuận lợi với những đội tàu vận tải lớn cập cảng ngày càng nhiều, đi kèm đó là những yêu cầu ngày càng cao thì việc Đà Nẵng hình thành nên trung tâm cảng biển mới có quy mô hiện đại nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về công nghệ thông tin, chất lượng dịch vụ là cần thiết, nhất là trong bối cảnh cảng Tiên Sa đang được định hướng sẽ trở thành cảng du lịch.

Nhìn nhận vai trò, vị trí quan trọng của Đà Nẵng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, ông Mai Văn Quang, đại diện Hiệp hội Logistics khu vực miền Trung tại Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng cần khai thác được tiềm năng từ tuyến hành lang này để có được nguồn hậu phương hàng hóa dồi dào từ khu vực nam Lào, Thái Lan… 

Một “điểm nghẽn” khiến cảng Tiên Sa cũng như nhiều cảng khác ở Việt Nam chưa thật sự phát triển là chi phí kho vận của Việt Nam cao (chiếm khoảng 21,9%) so với nhiều nước trong khu vực và lân cận như Trung Quốc là 18%, Singapore 9% cũng như mức trung bình của thế giới khoảng 15%. Đây được đánh giá là nhược điểm lớn nhất, gây cản trở đối với sự phát triển của thị trường logistics trong nước, kìm hãm sự phát triển của cảng biển. Giải quyết được “điểm nghẽn” này, cảng Tiên Sa nói riêng và cảng biển Việt Nam nói chung sẽ còn lớn mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế biển phát triển.

Đọc thêm