“Tiến về Hà Nội” – Ca khúc tiên đoán trước lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ca khúc “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Văn Cao được xem là ca khúc “kỳ lạ” nhất viết về ngày Giải phóng Thủ đô bởi nó được sáng tác vào năm 1949, thời điểm trước 5 năm Hà Nội hoàn toàn được giải phóng.
Ca khúc "Tiến về Hà Nội" như khúc tiên đoán trước lịch sử (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ca khúc "Tiến về Hà Nội" như khúc tiên đoán trước lịch sử (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Nhìn những bức ảnh chụp Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, hầu hết mọi người đều thấy những hình ảnh không khác gì “kịch bản” mà cố nhạc sĩ Văn Cao đã vẽ ra trong ca khúc “Tiến về Hà Nội”: “Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về/Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/Cờ ngày nào tung bay trên phố...”

Lời bài hát y như hình ảnh Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Lời bài hát y như hình ảnh Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao từng chia sẻ, ca khúc này được ông sáng tác từ lời hứa với đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3 vào cuối năm 1948.

Cố nhạc sĩ Văn Cao

Cố nhạc sĩ Văn Cao

Khi đó, lãnh đạo Thủ đô đã gửi gắm ông rằng nếu yêu Hà Nội, hãy sáng tác một ca khúc vừa hùng tráng vừa trữ tình về Hà Nội. Chỉ sau 2 tuần, nhạc sĩ Văn Cao đã viết xong ca khúc “Tiến về Hà Nội”.

Những dự cảm tuyệt vời của ông bắt nguồn từ tình yêu Hà Nội, nói lên khát vọng lớn nhất của người Hà Nội vào thời điểm ấy: Quét sạch quân thù, giải phóng Thủ đô!

Chỉ tiếc rằng, chính trong ngày đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô và ca khúc của ông được vang lên “đường đường chính chính” thì tác giả lại không có mặt để chứng kiến giờ phút thiêng liêng này. Thời điểm đó, nhạc sĩ Văn Cao theo phái đoàn Văn hóa cứu quốc đầu tiên của Việt Nam sang thăm Liên Xô và Trung Quốc.

Sau này, họa sĩ Văn Thao, con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao cho biết thêm, thời điểm đó nhạc sĩ còn sáng tác bài hát “Tổng phản công” nhưng do ca khúc “Tiến về Hà Nội” tạo tiếng vang lớn nên bài hát “Tổng phản công” cũng ít được nhắc tới.

Ca khúc “Tiến về Hà Nội” ngay từ khi ra đời đã được in báo, được dàn dựng biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân nên nhanh chóng lan tỏa. Cũng có lúc, trong những thời điểm khó khăn của cách mạng, ca khúc với dự cảm chiến thắng quá sớm của nhạc sĩ bị coi là “lạc quan tếu”.

Ca khúc "Tiến về Hà Nội" (Ảnh: hanoionline.vn)

Ca khúc "Tiến về Hà Nội" (Ảnh: hanoionline.vn)

Ca khúc “Tiến về Hà Nội” nhanh chóng trở thành ca khúc được yêu thích bậc nhất khi đó. Bản hùng ca với những ca từ hào hùng, lạc quan, đem đến cho người nghe sự hy vọng lớn lao. Những hình ảnh như “Trùng trùng quân đi như sóng”, “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”, “Cờ ngày nào tung bay trên phố”... trở thành ước nguyện của nhiều người.

5 năm sau khi ca khúc được ra đời, nhạc sĩ Văn Cao đã trở thành người dự đoán thần kỳ khi tất cả những việc xảy ra đều ứng với những gì ông đã sáng tác và linh cảm.

Đến ngày giải phóng Thủ đô, ca khúc “Tiến về Hà Nội” bỗng vang lên khắp nơi, trở thành “bài ca khải hoàn” của người Hà Nội. Từ khi ra đời đến nay, ca khúc “Tiến về Hà Nội" vẫn được nhiều người yêu mến. Đây là một trong những ca khúc xuất sắc của kho tàng âm nhạc nước nhà.

Đến ngày giải phóng Thủ đô, ca khúc “Tiến về Hà Nội” vang lên khắp nơi, trở thành “bài ca khải hoàn” của người Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đến ngày giải phóng Thủ đô, ca khúc “Tiến về Hà Nội” vang lên khắp nơi, trở thành “bài ca khải hoàn” của người Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 10/10/1954, Hà Nội được giải phóng và "Tiến về Hà Nội" gần như trở thành “Quốc ca” cho ngày trọng đại này. Đến nay, hầu như chưa một ca khúc viết về ngày Giải phóng Thủ đô nào vượt qua được "Tiến về Hà Nội", một bản hùng ca đầy khí thế, oai hùng, lãng mạn và cả tài tiên đoán của nhạc sĩ Văn Cao. Ngày nay, âm thanh của ca khúc vẫn thường xuyên vang lên, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm ngày Giải phóng thủ đô 10/10.

TIẾN VỀ HÀ NỘI

Trùng trùng quân đi như sóng

Lớp lớp đoàn quân tiến về

Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng

Cờ ngày nào tung bay trên phố

Trùng trùng say trong câu hát lấp lánh lưỡi lê sáng ngời

Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về

Cả cuộc đời tươi vui về đây

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về

Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào

Chảy dòng sương sớm long lanh

Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa

Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu

Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay

Những xuân đời mỉm cười vui hát lên

Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần

Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về

Hà Nội bừng tiến quân ca