Khi rừng nổi giận
Vào những ngày cuối tháng 5, vượt qua những khúc đường quanh co, ngoằn nghèo chúng tôi với thôn Nà Chì, xã Nà Chì, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Ở đây phóng viên được người dân kể cho nghe những câu chuyện gắn với khu rừng già, được coi là thổ công, thổ địa của làng. Những câu chuyện tưởng chừng ma mị, khó tin nhưng lại hiện thực mà nhiều người dân đã chứng kiến hay chính bản thân đã trải nghiệm…
Rừng già của làng có tên là Khau Chì, “Khau” là thổ công thổ địa, “Chì” là tên người. Trước đây có một người con trai đi vào sâu trong rừng, chết ở trong rừng biến thành ma rừng, thành thổ công thổ địa của địa phương, người dân ờ đây bảo vậy.
Người dân địa phương còn kể, trước cửa rừng có một cái ao nhân tạo, hội tụ nước thành vũng sâu, xung quanh ao cây cối um tùm và có ba tảng đá đặt ba cạnh như kiềng ba chân. Ao rất linh thiêng, ao như người coi nhà giữa của, nếu ai xâm phạm hay vô lễ hay cố tình xâm phạm thì ngay lập tức sẽ bị thần rừng chừng phạt.
Theo giai thoại, trước đây trên bờ ao có một khóm mía rất ngon, không ai biết là do trồng nhưng nếu như con người ăn mía mà ăn tại gốc bỏ lại vỏ mía tại đó thì có thể ra về mà không có chuyện gì xảy ra, nhưng nếu chặt mía đem về nhà thì sẽ bị thần rừng gọi lại.
Con người sẽ bị rơi vào cảm giác mơ hồ, không muốn ở nhà mà chỉ muốn quay lại ao, nếu có đi về thì cũng sẽ quay lại ao, có người cứ quanh quẩn ở đó và ngủ tại đó luôn, chỉ có thể thoát khỏi cảm giác đó khi đem mía lên trả vào vị trí cũ mình đã chặt mía.
Không chỉ giữ của giỏi, ao còn có những quy định riêng đối với con người khi đi qua hay muốn sử dụng ao. Đã có rất nhiều người trong làng không tin vào những kiêng kị đó cứ cố tình làm trái mà đã để lại những hậu quả cho chính bản thân và gia đình. Từ đó đến nay, người dân trong làng không còn ai dám xâm phạm đến ao, cho dù ao đã bị biến dạng so sự tàn phá của thiên nhiên.
Ao là cửa nhà của rừng, rừng ngôi nhà lớn, để đi vào ngôi nhà lớn này con người luôn phải nhớ và thực hiện nghiêm túc những quy định riêng của rừng để không bị rừng giữ lại hay trừng phạt.
Con gái đến kỳ không được phép đi vào rừng. Gia đình có đám tang chưa quá ba đêm, hay vợ sinh em bé chưa tròn một tháng cũng không được phép đi vào rừng, khi đi vào rừng không được nói bậy chửi tục. Khi bị rừng giữ lại, con người sẽ bị rơi vào ảo ảnh, không thể rời đi nơi khác, quanh đi quẩn lại vẫn về trí cũ, nếu không gặp được người đi rừng khác thì có thể sẽ phải ngủ lại trong rừng.
Còn nếu bị rừng đuổi thì rừng nổi gió nổi ầm ầm, cây cối rung chuyển như sắp đổ vào người và có tiếng đá ném từ trong rừng ném ra.
Ông Hoàng Văn Nhà, người dân địa phương tủm tỉm cười kể lại rằng: “Cách đây vài năm, tôi cùng người anh trai họ, người anh trai mới đi làm chủ đám ma cho một gia đình trong họ về, do có công việc hai anh em vào rừng, khi mới vào rừng đã bị rừng đuổi, hai anh em phải chạy vội chạy vàng ra khỏi rừng. Từ đó khi đang trong thời gian có những điều kiêng kị của rừng dù có cần thế nào cũng không dám vào rừng”.
Nếu muốn lấy cây trong rừng chỉ được phép lấy cây nhỏ, muốn lấy nhiều phải có câu nói xin phép bằng tiếng địa phương, còn nếu cố ý tham lam lấy cây to trong rừng thì sẽ bị rừng phạt.
Bà Hoàng Thị Thần một người già ở làng kể lại rằng :“ Cách đây hơn 30 năm khi bà mới về làm dâu ở thôn Nà Chì, đã chứng kiến cái chết thương tâm của ông Thành, người đàn ông to khỏe nhất làng. Ông Thành lên rừng chặt cây về làm nhà, vừa lấy cây về đến nhà ông đổ bệnh nặng không tìm ra nguyên nhân và ít hôm sau thì ông qua đời. Khi ông qua đời gia đình mới biết là ông bị rừng bắt do lấy cây của rừng…”.
Ngoài ông Thành, nhiều người dân ở nơi khác đến không tin cứ lên rừng khai thác cây về sử dụng cũng đều không được yên ổn, gia đình không bình yên.
Ngày nay, nhiều thợ khai tác gỗ không tin vào những điều kiêng kị thì đều bị nạn sau khi rời khỏi rừng, nhẹ thì tai nạn gẫy chân, gẫy tay, nặng thì mất mạng. Những câu chuyện có thật đó nghe như đang được làm quá lên để nói về rừng già, nhưng lại là hiện thực mà giờ đây người dân thôn Nà Chì ai cũng biết và không ai làm trái.
Rừng già có những kiêng kị riêng, nhưng rừng già cũng sống cùng người dân bằng và là nguồn thông tin thông báo cho người dân trong làng biết trước điều gì sắp xảy ra trong cuộc sống của mình.
Trong những năm kháng chiến, người dân trong làng đi lính gia đình có người hi sinh sẽ có các hiện tượng lạ xảy ra như có con vật như trâu, lợn... đâm vào cột nhà. Hiện tượng đó chỉ cần xảy ra thì vài ngày sau gia đình sẽ nhận được giấy báo tử của đơn vị. Ngày nay, khi trong làng sắp có người mất, thì những người dân sống dưới chân rừng sẽ nghe được tiếng khóc của người sắp mất. Mỗi tháng hiện tượng này thường diễn ra một đến hai lần.
Cũng đã thành quen thuộc, hiện tượng đó thành một hiện tượng không thể thiếu trong cuộc sống cũng như không ai không tin vào sự linh nghiệm của nó. Điều này cũng đã trở thành phong cách sống của người dân nơi đây. Họ luôn giữ cho bản thân sạch sẽ và rèn cho mình đức tính trung thực, không được tham lam, ích kỷ….
Đất rừng đất mặn không thể sống
Trong thời gian chiến tranh biên giới, năm 1984 huyện Xín Mần chuyển cơ quan xuống trung tâm xã Nà Chì, người dân thôn Nà Chì phải chuyển lên ở gần rừng. 12 năm sống gần rừng, người dân gặp rất nhiều điều kì lạ và phiền muộn mà chỉ có thể lý giải là không thể sống cạnh rừng vì đất rừng mặn.
Gia đình ông Hoàng Văn Chẳng là một trong những gia đình sống cạnh cửa rừng, chú Chẳng kể lại: “Sống trên đó lạ lắm, gia đình không làm ăn được gì đâu, không phải là do sống trên núi cao. Nhà chú có đứa cháu, suốt ngày bị ma rừng giấu, nó ngồi trong buồng ngủ mà không ai nhìn thấy nó, toán loạn đi tìm. Nó thấy người nhà tìm cũng không thể nói ra. Ma rừng cho nó ra thì thấy nó, không cho nó ra thì gia đình cứ tha hồ mà tìm thôi.
Buổi tối sống ở đấy cũng lạ lắm, cứ đêm xuống là nghe tiếng trẻ con khóc, lúc thì vọng trong rừng ra, lúc thì ở ngay cạnh nhà, thế mà đi xem thì không thấy gì. 12 năm gia đình sống trên đó cũng không làm ăn được gì, người nhà thì suốt ngày đau ốm, chăn nuôi thì không thấy thu được gì”. Sau đó gia đình ông Chẳng chuyển lại xuống thôn bản bây giờ thì cuộc sống mới ổn định.
Hiện nay, không còn gia đình nào sống trên rừng, ngay cả chỉ lên đó chăn nuôi cũng không. Đơn giản chỉ vì người thì suốt ngày đau ốm, bệnh tật, rời nơi đó thì lại khỏe mạnh như thường. Con vật thì không lớn được.
Chính vì những điều kỳ dị này mà người dân thôn Nà Chì luôn tôn thờ và tưởng nhớ về thần linh rừng già. Hằng năm họ còn tổ chức lễ cúng làng để tưởng nhớ về vị thần thành hoàng làng và thần rừng linh thiêng.
Vào ngày 25 tháng 12 âm lịch hằng năm, người dân địa phương sẽ tổ chức cúng, họ xin nước từ trên rừng về uống, uống nước đó để tưởng nhớ về thần linh, người anh cả của làng.
Chúng tôi đến với rừng già, chỉ cách trung tâm làng 4km đường đèo. Rừng ngút ngàn xanh, sừng sững và uy nghiêm. Tôi tin rằng, chính những câu chuyện mà người dân kể về rừng là nguyên nhân để rừng mãi xanh tốt và uy nghiêm để chở che và nuôi sống dân bản từ bao đời nay…