Tiếp loạt bài “Buýt nhanh triệu USD: Cho “khai tử” hay tồn tại?”: Phải công khai số thu, chi và lỗ

(PLVN) - PGS. TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, từ con số thu bao nhiêu, chi bao nhiêu sẽ biết rõ Dự án BRT 01 Hà Nội lỗ bao nhiêu, từ đó quyết định để nó tiếp tục tồn tại hay “khai tử” ngay.

“Bản thân tôi phản đối từ đầu!”

PGS Bùi Thị An cho rằng, mô hình buýt nhanh BRT không phù hợp với đặc thù Hà Nội. BRT được đầu tư lớn, có làn đường riêng nhưng hoạt động kém hiệu quả. Hà Nội cần nghiên cứu, chấm dứt mô hình này sau hơn 2 năm thử nghiệm, để tránh tình trạng “ném tiền qua cửa sổ”.

TS.Bùi Thị An: “Dân ủy quyền cho các “anh” làm, giờ làm không hiệu quả thì phải dừng lại”
TS.Bùi Thị An: “Dân ủy quyền cho các “anh” làm, giờ làm không hiệu quả thì phải dừng lại”

Bà đánh giá thế nào về mô hình buýt nhanh BRT ở Hà Nội?

- Trong bối cảnh dân số Hà Nội ngày càng tăng, ngày càng nhiều người ở các tỉnh về Hà Nội làm ăn, sinh sống thì việc phát triển giao thông công cộng là cần thiết để giải quyết ùn tắc giao thông, giảm thời gian lưu thông cho dân chúng. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại hình giao thông công cộng nào để phát triển cần  tính toán, cân nhắc kỹ. Không phải loại hình giao thông công cộng nào cũng phù hợp với đặc thù và hạ tầng Hà Nội.

Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông Hà Nội không nhiều, đa số là đường nhỏ, lại nhiều điểm giao cắt, dân cư đông đúc. Trong khi đó, đặc điểm quan trọng của buýt nhanh BRT là có làn đường riêng. Với đặc thù như vậy, rõ ràng mô hình BRT là không phù hợp với thành phố này.

Ngay từ khi bắt đầu ra đời, mô hình BRT ở Hà Nội đã có nhiều ý kiến phản đối, trong đó có cả giới khoa học, các chuyên gia giao thông. Bản thân tôi ngay từ đầu cũng phản đối dự án này. Đến nay, sau hơn 2 năm thử nghiệm, lượng khách không tăng lên mấy, chứng tỏ những ý kiến phản đối trước đây là đúng đắn. Đầu tư thì rất lớn, có làn xe đi riêng nhưng hiệu quả lại không thấy đâu. Do đó, cần phải xem xét lại dự án này.

Bù lỗ không hề nhỏ?

Vậy theo bà, Hà Nội cần làm gì với dự án lắm điều tiếng này?

- Tôi cho rằng giai đoạn thử nghiệm của dự án này đã đủ. Do đó, tôi đề nghị TP.Hà Nội phải nghiên cứu ngay việc chấm dứt hoặc chuyển đổi thành buýt thường, nhường đường cho các phương tiện khác cùng lưu thông. Giờ BRT không hiệu quả mà lại có hẳn một đường đi riêng trống trải, trong khi làn bên cạnh thì đông đúc, bon chen nhau. Như thế là rất không hợp lý.

Theo tôi, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và UBND TP Hà Nội cũng cần minh bạch tài chính liên quan đến dự án BRT. Mỗi tháng, mỗi quý thu được bao nhiêu tiền, chi bao nhiêu và lỗ bao nhiêu thì phải công khai minh bạch bằng con số cụ thể, chứ không phải báo cáo chung chung. 

Từ con số thu bao nhiêu, chi bao nhiêu sẽ biết là lỗ bao nhiêu. Và số lỗ ấy so với lượng người đi BRT có tương xứng không? Từ đó sẽ quyết định có nên tiếp tục đầu tư nữa hay không. Tôi tin chắc rằng mỗi tháng Nhà nước phải bù lỗ không ít. Do đó, cần minh bạch hiệu quả đầu tư. Từ đó mạnh dạn đưa ra phương án “khai tử” BRT hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động khác.

Tại sao bà cho rằng, Dự án BRT 01 Hà Nội cần phải chấm dứt?

- Tôi cho rằng việc chấm dứt hoặc chuyển đổi buýt nhanh BRT thành buýt thường cần được thực hiện càng sớm càng tốt để đỡ tốn tiền của dân. Tiền đầu tư, tiền vận hành đều do dân đóng góp. Càng kéo dài thời gian tồn tại của BRT thì càng bù lỗ, dân càng mất tiền. Không thể cứ lấy tiền của dân ném qua cửa sổ như thế được. Trong khi dân mình còn nghèo, nước mình còn nhiều khó khăn, tiền phải đi vay. Mồ hôi, sức lực của dân không thể để lãng phí mãi được. Dân ủy quyền cho các “anh” làm, giờ làm không hiệu quả thì phải dừng lại.

Tôi đề nghị những lãnh đạo có tâm của TP Hà Nội nghiên cứu, đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án. Chúng ta đã thử nghiệm hơn hai năm, quá đủ để thấy rằng nó có hiệu quả hay không. 

Trân trọng cảm ơn bà!

Sản lượng vận chuyển giảm

“Thống kê 6 tháng đầu năm nay của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội gửi UBND TP cho thấy, tính đến ngày 31/5/2019, sản lượng vận tải công cộng bằng tuyến buýt nhanh BRT 01 vận chuyển ước đạt hơn 50.000 lượt xe, với hơn 2 triệu khách, bình quân đạt 41 hành khách/lượt. Điều đáng nói, tỷ lệ khách bình quân trên tuyến liên tục sụt giảm. Cụ thể, tuần từ ngày 24/5/2019 - 30/5/2019, sản lượng vận chuyển được hơn 2.500 lượt xe, với gần 90.000 lượt hành khách. Như vậy, bình quân trong tuần này chỉ đạt con số 35,5 hành khách/lượt”.

Đọc thêm