Tiếp tục cải tiến đổi mới các kỳ họp Quốc hội

(PLO) - Cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, sáng qua (16/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) nhấn mạnh đến các vấn đề để đảm bảo hiệu quả, chất lượng kỳ họp, tránh sự lãng phí.
Tiếp tục cải tiến đổi mới các kỳ họp Quốc hội
Dự kiến tại Kỳ họp thứ 8 QH sẽ làm việc khoảng 35 ngày; từ 20/10 đến 29/11 để xem xét, thông qua 17 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 13 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội; giám sát các vấn đề quan trọng khác như lấy phiếu tín nhiệm những người do QH bầu, phê chuẩn. 
Đây là kỳ họp có số lượng dự án luật nhiều nhất từ trước đến nay vì năm 2014 là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp mới, công tác xây dựng pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để sớm đưa quy định của Hiến pháp vào cuộc sống được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
Trong lời phát biểu của mình, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thấy buồn trước nhược điểm của hoạt động phát biểu tại hội trường khi "những đại biểu am hiểu nhất thì không phát biểu, thậm chí có đại biểu còn phát biểu “bài của người khác” hay chỉ phát biểu một chiều...". Vì vậy, Chủ tịch QH đề nghị phải tiếp tục cải tiến đổi mới các kỳ họp QH.
Để đảm bảo chất lượng các dự thảo luật trình QH, nhất là những dự án luật có tính chất quan trọng ảnh hưởng lớn, đa số lãnh đạo các Ủy ban của QH đều nhấn mạnh đến vai trò của Hội nghị đại biểu QH chuyên trách (sẽ được tổ chức trước kỳ họp) và trách nhiệm của các đại biểu QH chuyên trách, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra; đồng thời đề nghị xem xét bố trí thời gian thảo luận, cho ý kiến đối với các dự án luật "không theo kiểu "cào bằng" mà nên tăng, giảm thời gian tùy vào mức độ quan trọng, tính phức tạp của dự án luật.

Đọc thêm