Trường Đại học Luật Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục thực hiện Quyết định số 549/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 54-NQ/BCSĐ về lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật đến năm 2021, tầm nhìn đến năm 2030.
Để duy trì và giữ vững vị trí tiên phong, là cơ sở hàng đầu trong cả nước về đào tạo luật, Trường tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế; đạt mục tiêu có 3–4 chương trình đào tạo đạt trình độ tiên tiến khu vực; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giảng viên; hoàn thiện cơ sở vật chất hiện đại; thúc đẩy hợp tác toàn diện, hiệu quả…
Trong giai đoạn 2021 – 2030, với mục tiêu phát triển Học viện Tư pháp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, mở rộng quy mô và bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngang tầm khu vực và tiếp cận gần hơn với trình độ quốc tế, Học viện tiếp tục triển khai Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”; mở rộng chức năng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện; đào tạo, bồi dưỡng kết hợp, học tập điện tử, quản lý học trực tuyến đối với các nội dung phù hợp của các chương trình đào tạo.
Cùng với đó là tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; kiện toàn bộ máy tổ chức, tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp; tăng cường hoạt động liên kết, phối hợp với bộ, ngành, địa phương; tiếp tục củng cố các mối quan hệ hợp tác quốc tế sẵn có…
Để thực hiện tốt công tác đào tạo, liên kết và bồi dưỡng các lớp, các trường cao đẳng luật sẽ tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác năm 2020 của ngành Tư pháp và Kế hoạch của Trường đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt. Để phát triển bền vững, đáp ứng được mục tiêu, sứ mệnh khi nâng cấp lên các Trường Cao đẳng Luật, các đơn vị cần phải sớm hoàn thiện hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; kiện toàn bộ máy tổ chức và nhân sự; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều cơ sở đào tạo luật như hiện nay, các Trường tiếp tục tăng cường công tác tuyển sinh theo hướng đa dạng hóa hình thức quảng bá tuyển sinh, mở rộng nguồn tuyển sinh bền vững; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành trong việc dạy và học để đa dạng hóa phương thức đào tạo, tiệm cận với nền giáo dục hiện đại.