Công ước chống Tra tấn của Liên Hợp Quốc tên đầy đủ là Công ước chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác là một trong các văn kiện nhân quyền quốc tế và khu vực, dưới sự duyệt xét lại của Liên Hợp Quốc, nhằm mục đích phòng chống tra tấn trên toàn thế giới.
Ngày 07/11/2013, Việt Nam đã ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về chống tra tấn. Việc tham gia Công ước chống tra tấn là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao đáng kể uy tín quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền và tạo ra những động lực, cơ sở mới để thúc đẩy hoạt động phòng, chống tra tấn ở nước ta hiện nay.
Theo đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015) đã xử lý mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; mở rộng chủ thể được bảo vệ quyền con người, quyền không bị tra tấn, không chỉ có “công dân” Việt Nam mà sẽ là tất cả “mọi người”; quy định về bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
BLTTHS năm 2015 cũng bổ sung một số quy định mới để phòng, chống tra tấn trong tố tụng hình sự như quy định về ghi âm, ghi hình có âm thanh trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, trong hỏi cung bị can, trong lấy lời khai, trong đối chất, trong xét xử. Đồng thời quy định về quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Trong quá trình xét xử và cần kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án hoặc Hội đồng xét xử nhận thấy có khả năng xảy ra hành vi bức cung, dùng nhục hình do lời tố cáo của bị cáo, Hội đồng xét xử có thể quyết định việc cho nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh ngay tại phiên tòa.
Bên cạnh đó, Điều 13 Công ước chống tra tấn quy định: “Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ cá nhân nào cho rằng họ bị tra tấn trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình đều có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền của nước đó, và được những cơ quan này xem xét một cách khẩn trương và khách quan. Quốc gia đó cũng phải thực hiện các biện pháp để bảo đảm rằng người khiếu nại và nhân chứng được bảo vệ tránh sự ngược đãi hay hăm doạ vì như là hậu quả của việc khiếu nại hoặc cung cấp bằng chứng”.
Để đảm bảo phù hợp với quy định này, BLTTHS đã quy định cụ thể quyền được bảo vệ của người làm chứng, người bị hại và dành hẳn chương XXXIV để quy định về việc bảo bảo vệ người làm chứng, người bị hại, người tố giác tội phạm và người tham gia tố tụng khác. Ngoài ra, bên cạnh người làm chứng, người bị hại, người tố giác tội phạm thì người thân thích của họ cũng được quyền được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, được quyền bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp trong khi tham gia quá trình tố tụng hình sự.
Bên cạnh việc quy định chế tài rất nghiêm khắc đối với những hành vi đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người trong Bộ luật hình sự 2015, pháp luật Việt Nam đang tiếp tục củng cố và hoàn thiện chế độ và trách nhiệm công vụ, thực hiện nguyên tắc cán bộ nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Đồng thời quy định các biện pháp xử lý kỷ luật như miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức đối với đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, trong đó có quy định về nghiêm cấm áp dụng biện pháp bức cung, nhục hình đối với bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, tạm giam.
Cùng đó, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật tố tụng hình sự nhằm đảm bảo hơn nữa sự có mặt của người bào chữa trong mọi giai đoạn tố tụng. Đây là một trong những biện pháp lập pháp quan trọng nhằm đảm bảo người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không phải chịu bất kỳ hình thức tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nào trong mọi giai đoạn tố tụng. Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật tố tụng hình sự để đảm bảo quyền im lặng của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo cũng cần được nghiên cứu, hoàn thiện trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới.