Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám, chữa bệnh

(PLVN) - Báo cáo  tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám chữa bệnh vào hôm qua (12/7) Bộ Y tế đánh giá việc thực thi các quy định về quyền và nghĩa vụ trong đó việc bảo đảm các quyền của người bệnh được các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện khá tốt. 
Hình minh họa

Người bệnh khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh không bị phân biệt đối xử, không có sự phân biệt giàu nghèo hay vị trí xã hội. Các cơ sở khám, chữa bệnh đã bảo đảm thực hiện quyền được lựa chọn trong khám, chữa bệnh. Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đều hướng tới việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật an toàn với chất lượng cao và chi phí hợp lý.

Quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi cũng được bảo đảm.

Cụ thể, trong những năm qua, các cơ sở y tế công lập được củng cố và phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống: số cơ sở tăng nhanh, từ 11.397 cơ sở năm 1993 lên 13.541 cơ sở năm 2016, bao gồm cả phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trạm y tế xã, hiện đang được sắp xếp lại cho phù hợp.

Các cơ sở y tế tư nhân có bước phát triển lớn, đóng vai trò quan trọng trong cung ứng dịch vụ y tế cho người dân. Số bệnh viện và số giường bệnh ngoài công lập tăng nhanh: Năm 2005 có 43 bệnh viện trên địa bàn của 9 tỉnh, thành phố với 3.324 giường bệnh, nay đã tăng lên 250 bệnh viện với 15.475 giường bệnh (đạt 1,7 giường/vạn dân, chiếm 15% số bệnh viện và 5,6% số giường bệnh trong toàn quốc).

Một số phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân tham gia thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bên cạnh đó, thành tựu lớn nhất trong thời gian vừa qua là đã từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở… Nhiều trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp, cơ sở vật chất khang trang, 66,1% xã năm 2015 và khoảng 70% xã năm 2016 đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã…

Đặc biệt, các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã chú trọng phát triển các kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Nhiều kỹ thuật trước đây chỉ các bệnh viện Trung ương tuyến cuối mới thực hiện được, nhưng do đẩy mạnh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên và sự cố gắng, nỗ lực của các bệnh viện tuyến dưới, đến nay các bệnh viện tỉnh, huyện đã thực hiện được.

Đối với việc thực thi các quy định về cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động và quản lý người hành nghề, Luật khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý khá thuận lợi cho hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và giấy phép hoạt động. Tính đến tháng 12/2018, toàn quốc đã cấp chứng chỉ hành nghề cho 363,407 người hành nghề và đã cấp giấy phép hoạt động cho 49.984 cơ sở khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, việc thực thi các quy định về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh đã giải quyết tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh, bồi thường thiệt hại, bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc phát triển hoạt động khám, chữa bệnh trong thời gian qua. 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, việc ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoàn cảnh Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và cũng đã tham gia một số hiệp định quốc tế trong lĩnh vực hành nghề y khoa.

Công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật khám, chữa bệnh đã được Bộ Y tế thực hiện thường xuyên, liên tục. Hàng năm, Bộ này đều tiến hành các công tác kiểm tra chung về việc thi hành pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh hoặc kiểm tra theo chuyên đề nhằm nắm bắt tình hình triển khai các văn bản pháp luật đồng thời nắm bắt kịp thời các khó khăn vướng mắc các đơn vị gặp phải trong quá trình triển khai thi hành pháp luật từ đó có những đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật cũng đã có một số hạn chế, bất cập như: một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam cũng như một số nội dung chưa bảo đảm tính hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị cần nêu rõ những mặt đạt được và những hạn chế, bất cập của toàn bộ quá trình thi hành luật. Trong đó cần lưu ý, xác định được những điều khoản, nội dung nào trong luật gây vướng mắc, mâu thuẫn, thậm chí “ghè đá vào chân”, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn các thầy thuốc, nhân viên y tế.

Đồng thời, nghiên cứu các nội dung cần sửa đổi cần đồng bộ với các luật khác; xác định những nội dung hành lang pháp lý cần thiết phải ban hành, nhưng chưa có trong luật hiện tại. Các nội dung điều chỉnh, bổ sung cần đảm bảo phù hợp với quá trình quốc tế của Việt Nam.

Trong giai đoạn tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám, chữa bệnh; tổ chức tốt việc thực hiện và áp dụng pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về khám, chữa bệnh,…

Đọc thêm