Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về Kho Ngoại quan

(PLVN) - Tổng cục Hải quan cho biết, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC đang tiếp tục được hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của DN cũng như hoạt động quản lý của cơ quan Hải quan. Một trong những nội dung quan trọng được sửa đổi trong dự thảo Thông tư lần này là quy định quản lý hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan.
Vẫn còn hiện tượng một số DN lợi dụng chính sách thông thoáng với kho ngoại quan để buôn lậu, gian lận thương mại (Hình minh họa)

 Có chuyện lợi dụng kho ngoại quan để buôn lậu

Theo quy định hiện nay, luồng hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan bao gồm: Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan; hàng hóa từ khu phi thuế quan (không bao gồm kho ngoại quan) hoặc nội địa đưa vào kho ngoại quan; hàng hóa từ kho ngoại quan đưa ra nước ngoài; hàng hóa từ kho ngoại quan đưa vào nội địa; hàng hóa từ kho ngoại quan đưa vào khu phi thuế quan (không bao gồm kho ngoại quan, DN chế xuất).

Tổng cục Hải quan nhận định, mặc dù quy định pháp luật và quy trình nghiệp vụ về công tác quản lý hàng hóa gửi kho ngoại quan cơ bản đã đầy đủ; các đơn vị đã chủ động, tích cực trong việc triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hải quan, phòng chống thẩm lậu, buôn lậu, gian lận thương mại trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý; tuy nhiên, qua công tác quản lý hải quan đối với loại hình hàng hóa gửi kho ngoại quan, Tổng cục Hải quan nhận thấy vẫn còn hiện tượng một số DN lợi dụng chính sách thông thoáng đối với loại hình kho ngoại quan để buôn lậu, gian lận thương mại.

Các hành vi vi phạm nổi lên như: Không khai hoặc khai không đúng tên hàng, mã số HS, số lượng, khối lượng hàng hóa để thẩm lậu hàng hóa vào nội địa, gian lận tiền thuế, trốn tránh các quy định về chính sách quản lý mặt hàng.

Các đối tượng không khai báo để đưa vào kho ngoại quan hàng hóa thuộc diện không được phép gửi kho ngoại quan; lợi dụng hình thức gửi kho ngoại quan để tạm nhập, tái xuất hàng hóa né tránh các quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

Vận chuyển không đúng tuyến đường, tự ý tắt định vị GPS, phá niêm phong, sang tải hàng hóa trái phép trong quá trình vận chuyển, đăng ký gửi hàng hóa vào kho ngoại quan nhưng thực tế không đưa hàng vào kho.

Sẽ siết chặt các quy định  

Để đảm bảo công tác quản lý hải quan, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố ngoài việc thực hiện đầy đủ các quy định, trình tự, thủ tục hải quan, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với loại hình gửi kho ngoại quan xuất đi nước ngoài qua các cửa khẩu biên giới đường bộ đảm bảo quản lý, giám sát hàng hóa xuyên suốt từ khi phương tiện vận chuyển đến kho, dỡ hàng từ phương tiện vận tải nhập vào lưu giữ tại kho ngoại quan cho đến khi xếp hàng lên phương tiện vận tải xuất khỏi kho ngoại quan và di chuyển ra khỏi khu vực giám sát hải quan để vận chuyển xuất khẩu ra nước ngoài. Đồng thời rà soát, đánh giá tình hình hoạt động các kho ngoại quan trên địa bàn, đề xuất tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động các kho ngoại quan không đáp ứng đủ các điều kiện theo Nghị định 68/2016/NĐ-CP.

Để tăng cường công tác quản lý, phòng chống vi phạm từ hoạt động gửi kho ngoại quan, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Quảng Trị rà soát tình hình, đánh giá mặt hàng có nguy cơ gian lận cao. Đây sẽ là cơ sở để Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo công tác quản lý hàng hóa gửi kho ngoại quan.

Đọc thêm