Rà soát, tổng hợp ưu điểm, hạn chế của quy định hiện hành
Tính đến thời điểm này, kinh doanh xăng dầu được quản lý bằng 3 nghị định, bao gồm Nghị định 83 (ban hành năm 2014), Nghị định 95 (ban hành năm 2021) sửa đổi một số điều của Nghị định 83 và Nghị định 80 (ban hành năm 2022) sửa đổi một số điều của Nghị định 83 và 95.
Trong nội dung ban hành Nghị định 80, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng một Nghị định mới thay thế hoàn toàn các nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện hành và trình Chính phủ trong quý II/2024.
Trong văn bản gửi lấy ý kiến các Sở Công Thương mới đây, Bộ Công Thương đã đề nghị các Sở Công Thương rà soát, có ý kiến đánh giá những mặt được, những mặt còn tồn tại của các quy định hiện hành tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu và góp ý, đề xuất nội dung mới cho nghị định.
Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) đánh giá, việc sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu là chủ trương của Chính phủ và đây là một việc làm có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đến các thành phần tham gia trên thị trường khi thấy thị trường còn nhiều bất cập. Đáng chú ý, theo ông Giang Chấn Tây, với kỳ sửa đổi góp ý này, doanh nghiệp bán lẻ (DNBL) đã được “để mắt” đến khi cơ quan điều hành đã chính thức mời DNBL tham gia góp ý.
Hầu hết cộng đồng DNBL đều cho rằng, để bảo đảm an ninh năng lượng, ổn định thị trường thì việc cần phải sửa đổi đầu tiên là quay về điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Ông Nguyễn Hùng Việt, DNBL xăng dầu ở Sóc Trăng cho rằng, thực tế sau khi ban hành nghị định 95 với việc điều chỉnh kỳ điều hành xăng dầu 10 ngày/lần đã thấy rõ việc đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu khi giá thế giới có biến động với biên độ lớn.
Nhưng đến Nghị định 80 lại rút ngắn thời gian xuống 7 ngày/lần điều chỉnh giá đã gây khó khăn cho đơn vị nhập khẩu bởi khi giá thế giới giảm, hàng chưa nhập về đến cảng đã lỗ. Riêng với DNBL, với năng lực dự trữ ít thì bồn để trống nhiều, gây hao hụt, tăng chi phí vận chuyển, ảnh hưởng đến các DN vùng sâu, vùng xa…
“Việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xuống 7 ngày mặc nhiên sẽ làm giảm mức dự trữ bởi DN lo giá biến động nhanh hơn sẽ nhập ít hàng hơn. Điều này ảnh hưởng đến dự trữ và an ninh năng lượng khi tình hình trong nước và thế giới biến động trái ngược nhau” - ông Việt phân tích.
Đáng chú ý, theo cộng đồng DNBL, nên điều chỉnh giá vào ngày 1 và 16 hàng tháng kể cả các ngày thứ Bảy, Chủ nhật và lễ, Tết cũng phải thực hiện vì cửa hàng BLXD phải thực hiện việc buôn bán xuyên suốt thì cơ quan quản lý cũng có sự điều hành xuyên suốt, để bảo đảm thị trường ổn định, bảo đảm quyền lợi của mọi chủ thể tham gia thị trường, bao gồm cả người dân.
Kiến nghị tách bạch khâu bán lẻ của doanh nghiệp đầu mối
Với kỳ vọng về việc có một nghị định mới để điều hành thị trường xăng dầu bảo đảm ổn định, cộng đồng DNBL xăng dầu cho rằng, cần phải xây dựng mô hình thành phần kinh doanh xăng dầu tách biệt, độc lập và minh bạch. Cụ thể, DN đầu mối, thương nhân phân phối phải tách biệt rõ ràng để không xảy ra hiện tượng mua bán, chuyển giá lòng vòng khiến lợi nhuận các khâu bị triệt tiêu, suy giảm dẫn đến bất ổn thị trường; Quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của từng khâu trong thị trường xăng dầu.
Ông Giang Chấn Tây nêu ý kiến: “Đề nghị DN đầu mối tách bạch khối bán lẻ ra khỏi hệ thống. DN đầu mối cần thành lập DNBL riêng, hạch toán độc lập để có báo cáo tài chính, chi phí, lãi lỗ riêng”. Theo ông Tây, nếu Nhà nước nhất thiết phải quản lý điều hành giá thì cần phải phân chia việc này tách bạch rõ ràng để DN đầu mối không chuyển chi phí, chuyển giá, chuyển lỗ lãi qua lại giữa 2 lĩnh vực này (lĩnh vực bán lẻ lỗ để công ty mẹ lãi).
“Chỉ bằng cách này thì mới phản ánh đúng phần chi phí mà một DN cần phải có để chi cho một DN hoạt động bán lẻ bình thường. Nghĩa là chiết khấu bao nhiêu thì đến điểm hòa vốn, bao nhiêu thì lỗ và bao nhiêu thì lãi để bảo toàn được vốn và để tái đầu tư… Nếu giải quyết được việc này sẽ giải quyết được ngay vấn đề chi phí định mức mà bấy lâu nay DNBL vẫn không được nhận” - ông Tây khẳng định.
Ông Nguyễn Hùng Việt - DNBL xăng dầu ở Sóc Trăng phân tích, chi phí cho một cửa hàng bán lẻ xăng dầu khá nhiều, bao gồm chi phí vận chuyển, nhân công bán hàng, chi phí hao hụt khi vận chuyển, lưu kho, chi phí điện, nước, cước viễn thông, hoá đơn, kiểm định trụ bơm. Theo tính toán, tổng chi phí cố định cho một cửa hàng bán lẻ rơi vào khoảng 1.200đ/lít. Do đó, cơ quan nhà nước cần cân nhắc tính toán và quy định chi phí định mức cho khâu bán lẻ, để đầu mối cuối cùng đưa xăng dầu ra thị trường cũng được hưởng quyền lợi như các chủ thể phân phối và đầu mối.