Nội luật hóa và hoàn thiện các quy định của pháp luật
Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo vô nhân đạo, hoặc hạ nhục con người được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Đây là một trong những điều ước quốc tế, đa phương quan trọng về quyền con người của Liên Hợp Quốc. Công ước thể hiện ý chí của nhân loại, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, mong muốn sớm loại bỏ hành vi đối xử, hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội. Với mong muốn bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người và quyền công dân, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước này vào năm 2014 và nội luật hóa trong các đạo luật cơ bản liên quan.
Sau khi trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (sau đây gọi tắt là Công ước chống tra tấn) vào năm 2015, Việt Nam đã gửi Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về thực thi Công ước chống tra tấn đến Ủy ban chống tra tấn vào năm 2017 và trình bày trực tiếp, bảo vệ thành công Báo cáo này trước Ủy ban chống tra tấn tại Thụy Sĩ vào năm 2018. Đến năm 2020, Việt Nam tiếp tục gửi Báo cáo giữa kỳ trả lời các bình luận và khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn về việc thực thi Công ước; cung cấp đầy đủ các lập luận và số liệu chứng minh, góp phần khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo vệ quyền con người nói chung, bảo đảm quyền không bị tra tấn nói riêng.
Cùng với nỗ lực vượt qua những thách thức và khó khăn do đại dịch Covid-19 mang đến, các cơ quan, bộ, ban, ngành Việt Nam quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc thực hiện các cam kết về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền không bị tra tấn. Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được các quốc gia, các tổ chức quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là trên các khía cạnh về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) phòng, chống tra tấn và nội dung Công ước chống tra tấn; nội luật hóa và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của Công ước chống tra tấn; hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn.
Về nội luật hóa và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực, chủ động sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều quy định pháp luật trong nước để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn. Có thể nói, Việt Nam đã chủ động ngay cả trước khi trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn. Sau khi trở thành thành viên có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện các quy định công ước, Việt Nam tiếp tục chủ động để chuyển hóa các quy định của Công ước vào trong hệ thống pháp luật quốc gia.
Đa dạng hóa các hình thức PBGDPL về phòng, chống tra tấn
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao Quyết định số 65/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp đã tổ chức các hội nghị tập huấn nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho Báo cáo viên pháp luật; cho lãnh đạo Sở Tư pháp, công chức Phòng PBGDPL thuộc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã biên soạn các tài liệu PBGDPL về các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống tra tấn gồm: Sổ tay, Chuyên đề phát thanh, Tờ gấp pháp luật và các tiểu phẩm pháp luật.
Các tài liệu được biên soạn nhằm đa dạng các hình thức PBGDPL và tạo nguồn tài liệu giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả truyền thông về pháp luật phòng, chống tra tấn, đồng thời phục vụ nhân dân tìm hiểu, vận dụng và giám sát việc thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn. Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn biên soạn 15 infographic, tờ gấp pháp luật về các văn bản pháp luật mới và 230 câu hỏi đáp pháp luật và 14 tiểu phẩm, tình huống pháp luật liên quan đến phòng, chống tra tấn để đăng trên Trang thông tin điện tử PBGDPL thuộc Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp để phổ biến pháp luật cho người dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác PBGDPL về phòng, chống tra tấn còn khó khăn, hạn chế như: Việc triển khai Đề án ở Bộ Tư pháp và ở các địa phương chủ yếu được lồng ghép trong các hoạt động PBGDPL, hoạt động chuyên môn, nên ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện Đề án. Công tác PBGDPL về phòng, chống tra tấn cũng là vấn đề nhạy cảm, dễ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các lực lượng khác nên việc tuyên truyền cũng có phần hạn chế. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tuy đông về số lượng nhưng tham gia PBGDPL về lĩnh vực phòng, chống tra tấn không nhiều.
Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục xây dựng Sách tham khảo giới thiệu pháp luật về phòng, chống tra tấn dùng cho giáo viên và học sinh cấp trung học phổ thông; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tra tấn trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng internet để tạo sự lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội; Tổ chức, biên soạn, phát hành các tài liệu PBGDPL về phòng, chống tham nhũng.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống tra tấn cho báo cáo viên pháp luật các cấp, tuyên truyền viên pháp luật; Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra hoạt động triển khai thực hiện Đề án của Bộ Tư pháp.