Thưa ông, Tiền Giang đã nắm bắt những thời cơ, thuận lợi và đã vượt qua những khó khăn nào để giữ vững sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội như hiện nay?
- Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; sự đoàn kết nội bộ được tăng cường và phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nên đã vượt qua những khó khăn, thách thức.
Tiền Giang luôn chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy theo hướng nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo thông suốt, kịp thời và đúng đắn; ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung giải quyết khiếu kiện kéo dài, tăng cường tiếp dân, gặp gỡ nhân dân ở cơ sở để nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển doanh nghiệp…
Cùng với đó là sự nỗ lực chung của toàn xã hội nên phần lớn các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, góp phần đưa tỉnh nhà tiếp tục phát triển khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực và nhiều chỉ tiêu vươn lên nhóm đầu các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 tăng khá, tăng bình quân 7,3%/năm, quy mô kinh tế của tỉnh (GRDP) chiếm 10,5%, đứng thứ 2/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 58,6 triệu đồng/người, cao thứ 4/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 còn 1,99%, vượt mục tiêu Nghị quyết (dưới 3%); cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả thiết thực;
Sự nghiệp giáo dục, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao, chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng; cải cách hành chính có chuyển biến tốt, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên.
Công tác xây dựng Đảng đặc biệt được quan tâm, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, “chống” các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trong những thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, ông có thể điểm lại một số kết quả nổi bật mà bản thân tâm đắc?
- Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua là rất quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. Trong những kết quả đạt được, có thể kể đến một số kết quả nổi bật như:
Thứ nhất, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả; trách nhiệm của cấp uỷ, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cấp được đề cao; sự đoàn kết thống nhất trong Đảng được tăng cường; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, khẳng định vai trò lãnh đạo, đường lối đúng đắn của Đảng, nâng cao niềm tin trong nhân dân. Song song đó, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Thứ hai, xây dựng nông thôn mới vượt mục tiêu đề ra. Các chủ trương, chính sách, nguồn lực, giải pháp xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai đồng bộ, cùng với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự đồng tình hưởng ứng của người dân nên đã trở thành phong trào thiết thực, phát triển mạnh mẽ; giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng 107 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 146,8% so với Nghị quyết là 72 xã), đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 119/143 xã nông thôn mới, chiếm 83,2% số xã trên toàn tỉnh.
Tiền Giang vươn lên đứng đầu khu vực ĐBSCL về số xã và đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. |
Thứ ba, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh thu hút được 122 dự án với tổng vốn đầu tư 34.918 tỷ đồng (có 44 dự án vốn đầu tư nước ngoài FDI với tổng vốn đầu tư 18.853 tỷ đồng), tăng 70% so với giai đoạn 2011 - 2015.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh qua các năm, giai đoạn 2016 - 2020 có 3.330 doanh nghiệp thành lập mới và tổng số doanh nghiệp hoạt động là 6.230 doanh nghiệp (vượt Nghị quyết đề ra đến năm 2020 có 5.000 doanh nghiệp hoạt động).
Thứ tư, thu ngân sách tăng nhanh. Với các kết quả đạt được trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch,... đã góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2015 đạt 5.577 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 11.665 tỷ đồng (Nghị quyết 9.116 tỷ đồng); tăng bình quân 15,9%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 45.799 tỷ đồng (Nghị quyết 36.875 tỷ đồng).
Công tác huy động, triển khai thực hiện vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 đã huy động và đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công đạt 19.448 tỷ đồng, vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.
Thứ năm, tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân như: đầu tư, cải thiện mạng lưới cấp nước, hệ thống dẫn nước ngọt sang huyện cù lao Tân Phú Đông từ hệ thống cấp nước Đồng Tâm; đầu tư xây dựng các tuyến đường tỉnh, đường huyện, giao thông nông thôn và đặc biệt là đầu tư mới các cầu Ngũ Hiệp, cầu Bình Xuân, cầu Long Hưng, cầu Vàm Trà Lọt, cầu Nguyễn Văn Tiếp (tổng mức đầu tư khoảng 634 tỷ đồng) góp phần quan trọng trong việc kết nối giao thông thông suốt giữa các địa phương trong vùng và các vùng trong tỉnh; đầu tư mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh (tổng vốn 2.350 tỷ đồng),... góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và học tập của nhân dân.
Nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo sẽ được tỉnh chú trọng như thế nào?
- Tiền Giang xác định nguồn lực con người là nhân tố rất quan trọng, quyết định trong thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những giai đoạn tiếp theo. Trong Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI, xác định một trong 3 khâu đột phá: “Phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính. Để thực hiện đột phá này, tập trung thực hiện các phương hướng, nhiệm vụ sau:
- Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ đề án tái cơ cấu ngành kinh tế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ động hợp tác trong và ngoài nước về khoa học - công nghệ, thu hút công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của tỉnh.
- Thực hiện đúng mục tiêu Nghị quyết đề ra: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, chú trọng tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hình mới”.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến xây dựng Chính quyền số phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.
Để hạn chế tác động của thiên tai đến sản xuất mà nhất là tình trạng hạn mặn, tỉnh đã có những giải pháp gì nhằm nâng cao năng lực ứng phó thiên tai?
- Để ứng phó với hạn, mặn, Tiền Giang đã có nhiều phương hướng, giải pháp trước mắt và lâu dài, tỉnh tập trung vào một số công việc trọng tâm sau:
Thứ nhất, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến xã và nhân dân. Xây dựng chiến lược, kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, hạn, mặn của tỉnh trong 5 năm và hàng năm, trong đó chú trọng giải pháp tại địa phương và liên kết vùng.
Thực hiện đồng bộ cả 2 giải pháp công trình và phi công trình; chú trọng phát huy vai trò tích cực, chủ động của người dân trong xây dựng phương án ứng phó linh hoạt, phù hợp khi thực hiện các giải pháp phòng, chống, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, đồng thời tổ chức thực hiện quyết liệt, kịp thời, chủ động.
Thứ hai, thực hiện tái cơ cấu ngành với lồng ghép, bố trí cây trồng, vật nuôi theo hướng thích nghi hạn, mặn như thực hiện đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025; khuyến cáo người dân không sản xuất ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới; nạo vét kênh, mương trữ nước, củng cố hệ thống đê bao; tổ chức vận hành tất cả các cống trên địa bàn tỉnh để đảm bảo công tác ngăn mặn, lấy ngọt, trữ ngọt.
Thứ ba, gia cố, nâng cấp, sửa chữa kịp thời các công trình ngăn mặn bị hư hỏng, xuống cấp và tổ chức đắp các đập tạm; đầu tư nạo vét các hệ thống kênh trục, các tuyến kênh nhánh, kênh nội đồng trong vùng dự án Ngọt hóa Gò Công, các huyện phía Tây.
Đồng thời, vận động nhân dân tự đào ao trữ nước ngọt và xây dựng các hồ chứa nước ngọt phân bổ đều khắp những vùng khó khăn về nước ngọt của tỉnh, kết hợp với gia cố, khôi phục các tuyến kênh, mương trên địa bàn để tăng lượng nước ngọt dự trữ, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất trong những mùa khô tiếp sau.
Cám ơn ông về buổi phỏng vấn!