Về phạm vi điều chỉnh, Quyết định này sẽ quy định về chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 80/NQ-CP. Dự thảo Quyết định giữ nguyên địa bàn và đối tượng áp dụng của Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg.
Cụ thể, đối tượng thụ hưởng chính sách là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người được TGPL khác theo quy định của pháp luật. Địa bàn áp dụng chính sách, bao gồm: huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; xã nghèo không thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP (xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã biên giới và xã an toàn khu); thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi không thuộc các xã nghèo thuộc các huyện nghèo và các xã nghèo trên.
Để thực hiện nội dung chính sách TGPL, Dự thảo Quyết định quy định nhiều hoạt động để thực hiện chính sách TGPL như: thực hiện vụ việc TGPL cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, trong đó bảo đảm phù hợp với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động TGPL được đề ra trong Đề án đổi mới; hỗ trợ học phí cho viên chức của trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh có huyện nghèo, xã nghèo tham gia khóa đào tạo nghề luật sư làm nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý; thiết lập đường dây nóng về TGPL, truyền thông về TGPL.
Theo nhận định của Bộ Tư pháp, xuất phát từ đặc thù của các huyện nghèo, xã nghèo (diện người được TGPL rất lớn, lại chưa biết nhiều về TGPL, nhận thức pháp luật còn hạn chế); nhu cầu TGPL rất cao, trong khi đó chất lượng nguồn nhân lực làm công tác pháp luật còn nhiều hạn chế, do vậy, bên cạnh việc chú trọng thực hiện các vụ việc TGPL cho các đối tượng thụ hưởng chính sách khi có nhu cầu thì cần tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực làm công tác TGPL của trung tâm để nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ TGPL trên các địa bàn khó khăn thông qua việc hỗ trợ đào tạo luật sư làm nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý.
Đồng thời, trên địa bàn này cần tập trung hoạt động truyền thông trực tiếp về TGPL cho người dân biết về hệ thống tổ chức thực hiện TGPL, về quyền và nghĩa vụ của người được TGPL. Do các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn là địa bàn xa trung tâm, đi lại khó khăn nên bên cạnh việc tuyên truyền về hoạt động TGPL thông qua các phương tiện truyền thông thì cần phải trực tiếp tổ chức các đợt truyền thông ở cơ sở để người dân có thể hiểu biết sâu sắc và cụ thể hơn về tổ chức và hoạt động TGPL. Để bảo đảm tiết kiệm kinh phí và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực làm công tác tư pháp ở địa phương thì các đợt truyền thông về công tác TGPL ở cơ sở sẽ do cán bộ tư pháp xã tổ chức thực hiện.
Về định mức tài chính hỗ trợ đối với các hoạt động để thực hiện chính sách TGPL, Dự thảo Quyết định quy định rất cụ thể định mức tài chính đối với hoạt động thực hiện vụ việc TGPL và hỗ trợ học phí cho viên chức của trung tâm tham gia khóa đào tạo nghề luật sư theo mức quy định của các văn bản chuyên ngành.
Chẳng hạn, trên cơ sở khảo sát và nghiên cứu giá cả thị trường trong giai đoạn hiện nay, Dự thảo Quyết định quy định mức kinh phí xây dựng đường dây nóng là 50.000.000 đồng/trung tâm và căn cứ vào hóa đơn chi phí thực tế sử dụng của đường dây nóng hàng tháng ở các trung tâm để làm cơ sở cho việc hỗ trợ đối với chi phí để duy trì hoạt động của đường dây nóng. Việc tổ chức các đợt truyền thông về TGPL ở cơ sở Dự thảo Quyết định quy định định mức: 2.000.000 đồng/xã/01 lần/năm; 1.000.000 đồng/thôn, bản/01 lần/năm.
Định mức này là căn cứ để ngân sách trung ương hỗ trợ cho các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các địa phương có khó khăn, chưa thể tự bảo đảm được kinh phí chi cho các hoạt động TGPL và là căn cứ để các địa phương tự cân đối được ngân sách lập dự toán bảo đảm thực hiện cho các hoạt động để thực hiện chính sách TGPL tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn từ nguồn thu của ngân sách địa phương.