Xác định “Tư pháp gần dân, vì dân đổi mới”, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành Tư pháp Vĩnh Phúc đã nỗ lực trong tất cả các mặt công tác để ngày càng gần dân, hiểu dân, giải quyết các công việc của dân một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nhiệm vụ chính trị của ngành Tư pháp.
Bộ máy tiếp tục được kiện toàn, lớn mạnh
Sở Tư pháp Vĩnh Phúc được thành lập theo Quyết định số 19/QĐ-UB ngày 13/01/1997 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Khi mới thành lập, Sở Tư pháp chỉ có 9 cán bộ với 4 phòng chuyên môn gồm: Phòng Tổ chức quản lý Tòa án và Thi hành án, Phòng Hành chính tổng hợp, Phòng Văn bản pháp quy, Phòng Công chứng số 1. Địa điểm làm việc tại đường Tô Hiệu, phường Ngô Quyền, TP.Vĩnh Yên với cơ sở vật chất và các trang thiết phục vụ công tác chuyên môn rất thiếu thốn. Đến năm 2000, Sở Tư pháp chuyển trụ sở làm việc đến địa điểm mới: Đường Trường Chinh, phường Đống Đa, TP.Vĩnh Yên cho đến ngày nay.
Thực hiện Quyết định số 38/2005/QĐ-UBND ngày 15/12/2005 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Tư pháp thành lập 06 phòng chuyên môn gồm: Văn phòng, Thanh tra, Xây dựng Văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), Hành chính tư pháp, Bổ trợ tư pháp và 05 đơn vị trực thuộc gồm: Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, các Phòng Công chứng Nhà nước số 1, số 2 và số 3.
Năm 2009, theo Quyết định số 55/2009/QĐ-UBND ngày 29/10/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Tư pháp có 7 phòng chuyên môn gồm: Văn phòng, Thanh tra, Xây dựng văn bản QPPL, Kiểm tra và theo dõi thi hành văn bản QPPL, PBGDPL, Hành chính tư pháp, Bổ trợ tư pháp và 05 đơn vị sự nghiệp gồm: Trung tâm TGPL Nhà nước, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, các Phòng Công chứng số 1, số 2 và số 3.
Đến nay, cùng với sự phát triển chung của ngành Tư pháp Việt Nam, Tư pháp Vĩnh Phúc qua 18 năm xây dựng và trưởng thành ngày càng lớn mạnh, hệ thống tổ chức ngành ngày càng ổn định từ tỉnh đến cơ sở.
Theo Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 23/4/2015 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Tư pháp thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật (THPL); theo dõi THPL; kiểm tra, xử lý văn bản QPPL; kiểm soát thủ tục hành chính; pháp chế; PBGDPL; hòa giải ở cơ sở; hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; TGPL; luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; bán đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; quản lý công tác THPL về xử lý vi phạm hành chính và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
Hệ thống tổ chức gồm có 9 phòng chuyên môn: Văn phòng, Thanh tra, Tổ chức cán bộ, Xây dựng và kiểm tra văn bản QPPL, Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL, Kiểm soát thủ tục hành chính, PBGDPL, Hành chính tư pháp, Bổ trợ tư pháp và 05 đơn vị sự nghiệp gồm: Trung tâm TGPL Nhà nước, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, các Phòng Công chứng số 1, số 2 và số 3.
Tổng số biên chế của Sở có 86 cán bộ, công chức, viên chức. Trình độ chuyên môn nhìn chung khá cao, đa số có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 02 công chức có trình độ tiến sĩ và đang làm nghiên cứu sinh; 22 công chức, viên chức có trình độ thạc sỹ và đang học thạc sỹ. Đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở có 274 người, ngày càng được chuẩn hóa về trình độ, chuyên môn nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ của Ngành.
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc Phùng Thị Kim Nga |
Trong những năm qua, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đã phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị - pháp lý quan trọng của tỉnh và đã đạt được các thành tích quan trọng. Sở đã tham gia, thẩm định 100% văn bản QPPL của tỉnh với chất lượng ngày càng cao; thực hiện rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa được 975 văn bản QPPL, qua đó đã giúp phòng ngừa, phát hiện các vi phạm, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của các văn bản QPPL cũng như đảm bảo tính định hướng, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, minh bạch và ổn định tương đối hệ thống thể chế của tỉnh; tăng cường phối hợp với các ngành và các tổ chức đoàn thể cùng cấp để triển khai công tác PBGDPL kịp thời với nhiều hình thức phong phú và đạt hiệu quả cao..., góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của cán bộ và nhân dân.
Công tác hành chính tư pháp từng bước được nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng với yêu cầu của tổ chức, cá nhân về lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) cũng đi vào nền nếp, hoạt động chất lượng, hiệu quả, đã tác động tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội, gỡ bỏ những rào cản về TTHC đối với môi trường kinh doanh và đời sống của người dân; tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao kiến thức, kỹ năng tham mưu trong việc xử phạt vi phạm hành chính đồng thời đề xuất xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng vi phạm.
Công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được chú trọng, qua đó từng bước nâng cao nhận thức về pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Công tác bổ trợ tư pháp hoạt động ngày càng có hiệu quả, chuyên nghiệp hơn. Công tác xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị đã được triển khai thực hiện tốt, đáp ứng chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, trong quá trình hình thành và phát triển, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh tặng nhiều phần thưởng cao quý, nổi bật là Huân chương Lao động hạng Ba năm 2003 và Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2010 do Chủ tịch nước trao tặng.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và ngày thành lập ngành Tư pháp Việt Nam, cán bộ, công chức, người lao động ngành Tư pháp Vĩnh Phúc ra sức phấn đấu thực hiện và hoàn thành tốt nhiêm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, vì sự lớn mạnh không ngừng của ngành Tư pháp.