Vấn đề được đề cập tại buổi họp báo chuyên đề “Bảo hiểm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội” do Bộ Tài chính tổ chức chiều qua, 8/8.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đối với 3 sản phẩm bảo hiểm: Bảo hiểm cây lúa, bảo hiểm vật nuôi và bảo hiểm thủy sản (tôm cá) giai đoạn 2011- 2013.
Theo đó, hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo; hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân , cá nhân cận nghèo; Hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo; hỗ trợ 20% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, qua 3 năm triển khai thí điểm BHNN đã có 304.017 hộ nông dân, tổ chức sản xuất tham gia thí điểm BHNN với tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng, tổng số phí bảo hiểm 394 tỷ đồng (trong đó ngân sách nhà nước là 303 tỷ đồng), tổng số tiền bảo hiểm 712,9 tỷ đồng.
Lý giải về số phí thu được ít trong khi số tiền chi trả bảo hiểm lớn, ông Huyền cho biết, trong quá trình triển khai thí điểm, các DN bảo hiểm cũng thực hiện tái bảo hiểm; tuy nhiên sau 1 năm đầu, các DN rất khó khăn khi thực hiện tái bảo hiểm và thực tế cho thấy rủi ro trong BHNN là rất lớn, không kiểm soát được nhất là bảo hiểm tôm, cá.
“Kết quả thí điểm cho thấy đây là một chính sách lớn, cần thiết và hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước, là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, ổn định sản xuất và đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Thông qua chương trình đã góp phần tăng cường nhận thức của các cơ quan trung ương, địa phương và người dân về sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò của BHNN”, ông Huyền phát biểu.
Đại diện Cục quản lý giám sát bảo hiểm cũng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 3094/VPCP-KTTH ngày 6/5/2016 của Văn phòng Chính phủ, căn cứ kết quả phân tích, đánh giá về những khó khăn, bất cập trong triển khai BHNN, Bộ Tài chính thấy rằng, trong điều kiện diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội; đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, việc tiếp tục triển khai BHNN là cần thiết và cần có chính sách khuyến khích người sản xuất nông nghiệp tham gia mua BHNN.
Vì vậy, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ NN&PTNT và đã xin ý kiến địa phương, tổ chức họp với các DN bảo hiểm, các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, hoàn chỉnh báo cáo Thủ tướng Chíng phủ về việc tiếp tục thực hiện BHNN theo hướng: Không giới hạn đối tượng được bảo hiểm, không giới hạn địa bàn được triển khai BHNN, thực hiện trên cơ sở tự nguyện, có sự hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm của ngân sách địa phương theo nguyên tắc tự cân đối nguồn đảm bảo và tập trung hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế (hộ nghèo, cận nghèo)
Liên quan đến bảo hiểm thủy sản (tàu cá) theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ, số liệu của Bộ Tài chính cho biết, tính đến 30/6/2016 đã có 28/28 tỉnh, thành ven biển phát sinh doanh thu phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên, với tổng giá trị bảo hiểm ước đạt 37.412 tỷ đồng, tổng số phí bảo hiểm ước đạt 387 tỷ đồng; tổng số lượt tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ ước đạt 14.977 tàu; tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm ước đạt 145.960 thuyền viên; tổng bồi thường ước đạt 59,8 tỷ đồng; đang xem xét giải quyết bồi thường 82,1 tỷ đồng…
Đại diện Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm cho biết, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, TP liên quan giám sát, chỉ đạo các DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm đẩy mạnh hơn nữa triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân, các DN bảo hiểm và các địa phương tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; Chuẩn bị tổng kết, đúc rút kinh nghiệm cho giai đoạn triển khai tiếp theo…