Tiết kiệm để bảo đảm an ninh năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt, trong khi tiêu thụ năng lượng của Việt Nam rất cao. Theo các chuyên gia, để bảo đảm an ninh năng lượng, cùng với việc sớm chuyển dịch năng lượng, Việt Nam cần sử dụng năng lượng kiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ).
Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc sử dụng ánh sáng tự nhiên trong thiết kế nhà xưởng để tiết kiệm năng lượng. (Ảnh minh họa - Nguồn: internet)
Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc sử dụng ánh sáng tự nhiên trong thiết kế nhà xưởng để tiết kiệm năng lượng. (Ảnh minh họa - Nguồn: internet)

Tiêu thụ tăng, nguồn tài nguyên cạn kiệt

Thông tin tại Diễn đàn “Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam” do Báo điện tử VOV diễn ra mới đây, TS. Chử Đức Hoàng - Chánh Văn phòng, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN) cho biêt thế giới chỉ còn 70 - 100 năm để sử dụng 3 loại năng lượng truyền thống. Cụ thể với than đá, tiêu thụ mỗi năm bình quân là 7.320 triệu tấn, trong khi dự trữ than đá ước tính là 891.500 triệu tấn. Dầu mỏ mỗi năm tiêu thụ 35 tỉ thùng, trong khi dự trữ dầu mỏ trên thế giới là 1.480 tỉ thùng. Khí đốt mỗi năm tiêu thụ khoảng 4.000 tỷ m3 trong khi dự trữ khí đốt toàn cầu là 187.100 tỷ m3. “Riêng với Việt Nam, với mức độ sử dụng như hiện nay cũng chỉ 70 - 80 năm nữa các loại năng lượng truyền thống cũng cạn kiệt” - TS. Hoàng cảnh báo.

Trong khi đó, báo cáo của Vụ Tiết kiệm năng lượng (TKNL) và Phát triển bền vững (PTBV), Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu năng lượng trong nước tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001 - 2010, khoảng 7% trong giai đoạn 2011 - 2019, trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001 - 2010 và khoảng 9,71% trong giai đoạn 2011 - 2021.

Trong “bản đồ” tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam, đối tượng tiêu thu nhiều nhất là công nghiệp. Đáng ngại, tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng, chiếm từ 45,7% năm 2012 lên 54% năm 2021. Theo ông Hoàng Việt Dũng (Vụ TKNL và PTBV), cường độ sử dụng năng lượng của Việt Nam đang cao hơn nhiều nước trên thế giới (cao gấp 3 lần so với Nhật Bản, Singapore…). “Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp...” - ông Dũng dự báo.

TS. Chử Đức Hoàng (Bộ KH&CN) lo ngại, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ năng lượng rất cao và việc phụ thuộc vào một số ít quốc gia sản xuất dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên có thể tạo ra những rủi ro về an ninh năng lượng, nhất là khi xảy ra xung đột chính trị hoặc kinh tế.

Số liệu của Vụ TKNL và PTBV cũng cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2021, chênh giữa nhập khẩu và xuất khẩu năng lượng của Việt Nam đang có xu hướng tăng. Nếu như năm 2016, chênh lệch chỉ là 16,4 % thì đến năm 2020 là 49,7%, đến năm 2021 có giảm chút ít, còn chênh lệch 35,8%.

Tiết kiệm vẫn là quốc sách

Bên cạnh đề xuất các giải pháp chuyển dịch sang sử dụng hệ thống năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến câu chuyên SDNLTK&HQ.

Ông Đỗ Văn Năm - Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) chia sẻ: “Để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, qua thực hiện EVNNPC nhận thấy mặc dù đã có Luật SDTKNL&HQ, nhiều DN và người dân đã có ý thức trong việc thay đổi công nghệ tiên tiến, tiêu thụ năng lượng thấp, sử dụng điện tiết kiệm nhưng cũng còn rất nhiều DN do ý thức về tiết kiệm điện, do khó khăn về nguồn vốn để thay đổi công nghệ mới… nên việc sử dụng điện vẫn còn nhiều bất cập, lãng phí…”.

Ông Năm cho biết, trên địa bàn miền Bắc có nhiều phụ tải tiêu thụ điện lớn như: Sản xuất thép, xi măng, vật liệu xây dựng, luyện quặng…. nhưng vẫn sử dụng công nghệ cũ, tiêu tốn năng lượng và chưa thân thiện với môi trường. “Đáng ngại là khi kiểm toán năng lượng, nhiều đơn vị chỉ quan tâm đến hệ thống hoạt động ổn định và an toàn, không quan tâm đến việc tiết kiệm điện mặc dù hoàn toàn có thể cải thiện hệ thống để tiết kiệm điện…” - đại diện EVNNPC cho biết thêm.

"Đổi mới công nghệ là xu hướng tất yếu để các quốc gia, tập đoàn, DN chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch, bao gồm năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) và thủy điện. Đây là giải pháp bền vững, không gây hại cho môi trường và tái tạo được" - TS. Chử Đức Hoàng (Bộ KH&CN) quả quyết.

Nhấn mạnh nhu cầu năng lượng tăng cao gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nguy cơ thiếu điện vẫn hiện hữu nếu không có các giải pháp hữu hiệu và kịp thời, ông Vương Quốc Thắng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đặc biệt nhấn mạnh giải pháp SDTKNL&HQ và khẳng định tiềm dư địa TKNL vẫn còn rất lớn trong các DN.

“Chúng ta đã có Luật SDNLTK&HQ, vấn đề là làm sao các chính sách này phải đi được vào cuộc sống cùng với việc có những chế tài. Bên cạnh đó, làm thế nào để thúc đẩy cả hệ thống chính trị cùng tham gia TKNL” - chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Trí Thành trăn trở…

Văn phòng Ban Chỉ đạo TKNL (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Lễ phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về SDNLTK&HQ năm 2023”. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ các hoạt động truyền thông thuộc Chương trình Quốc gia về SDNLTK&HQ giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) nhằm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ về sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng, hướng tới hình thành lối sống xanh, bền vững.

Nội dung thi bao gồm các chủ đề về SDNLTK&HQ trong gia đình, trong các ngành công nghiệp, công trình xây dựng và giao thông vận tải, văn phòng - nhà xưởng, năng lượng sạch, chính sách năng lượng, nhãn năng lượng, chiến dịch Giờ Trái đất… Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về SDNLTK&HQ” được tổ chức lần đầu năm 2022. Cuộc thi đã thu hút 89.831 người tham gia với tổng số lượt tham gia trả lời trực tuyến là gần 180.000 lượt. Nhật Thu

Đọc thêm