Theo đài RT, theo thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS giữa Anh, Mỹ và Australia được các nhà lãnh đạo của ba nước công bố tại một cuộc họp ở San Diego, Mỹ ngày 13/3, ban đầu, Australia sẽ mua 3 tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ.
Các tàu này sẽ được giao vào đầu những năm 2030. Sau đó, Canberra sẽ mua thêm 2 tàu nữa.
Kế hoạch này cũng bao gồm việc phát triển các tàu ngầm mới, được gọi là SSN-AUKUS, được chế tạo ở Anh và Australia với sự hỗ trợ và công nghệ của Mỹ.
Phát biểu tại Căn cứ Hải quân Point Loma ở San Diego, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, 3 nước đồng minh đang ở “thời điểm quan trọng trong lịch sử, thời điểm mà nỗ lực tăng cường khả năng răn đe và thúc đẩy ổn định sẽ ảnh hưởng đến triển vọng hòa bình trong nhiều thập kỷ tới”.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Anthony Albanese gọi thỏa thuận tàu ngầm là “khoản đầu tư đơn lẻ lớn nhất vào năng lực quốc phòng của Australia trong suốt lịch sử của chúng tôi”.
Còn Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định, quan hệ đối tác giữa 3 nước phản ánh những thách thức địa chính trị đang gia tăng.
Ngoài tàu ngầm, AUKUS còn hợp tác về trí tuệ nhân tạo, vũ khí siêu thanh và các công nghệ phòng thủ tiên tiến khác.
Thỏa thuận về tàu ngầm nêu trên đánh dấu lần thứ hai trong lịch sử Mỹ - và lần đầu tiên sau 65 năm - Washington chia sẻ công nghệ đẩy hạt nhân của mình với một quốc gia khác.
Một số ý kiến thời gian qua cho rằng liên minh AUKUS vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vì nó liên quan đến việc chuyển giao công nghệ hạt nhân cho một quốc gia chưa được trang bị vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, các tàu ngầm do Mỹ chế tạo được cung cấp nhiên liệu bằng uranium được làm giàu ở cấp độ vũ khí.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Australia cho rằng vì các tàu này sẽ không được trang bị vũ khí hạt nhân nên chúng sẽ không vi phạm cam kết chống phổ biến vũ khí hạt nhân.