Tiết lộ nguyên nhân giải thể Cục Đường bộ cao tốc

(PLO) - Sau 5 năm thành lập, Cục Quản lý đường bộ cao tốc sắp bị giải thể. Cục trưởng khả năng được điều làm Phó Vụ trưởng, hàng chục nhân sự khác của Cục tiếng tăm một thời này chuyển đi những đơn vị khác.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện: “Tốc độ phát triển đường cao tốc ở nước ta còn quá chậm”

Cục chỉ quản… 901km đường

Từ ngày 1/10, bộ máy của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) sẽ có nhiều thay đổi. Đây là đơn vị đầu tiên thuộc khối quản lý Nhà nước của Bộ GTVT tiến hành “gọn, nhẹ” bộ máy - một công việc không dễ đối với những người đứng đầu, nhưng không thể cưỡng lại xu thế chung.

Cụ thể, trong đề án trình Bộ GTVT lần đầu, Tổng cục ĐBVN chỉ đề xuất giảm các phòng ở cấp Cục, Ban và Trường trực thuộc Tổng cục. Tuy nhiên, sau đó đề án này đã được yêu cầu làm lại. Tổng cục thực sự “mạnh tay” khi đề xuất ghép Vụ Tổ chức cán bộ vào Văn phòng Tổng cục để thành lập Vụ Tổ chức - Hành chính; hợp nhất Tạp chí Đường bộ và một phần công việc của Vụ Khoa học Công nghệ để hình thành nên Trung tâm Truyền thông và Thông tin đường bộ.

Đáng chú ý trong cuộc sắp xếp lớn lần này là việc chấm dứt sự tồn tại của Cục Quản lý đường bộ cao tốc. Đến thời điểm hiện tại, Cục tồn tại được 5 năm. “Tuy nhiên, do tốc độ phát triển đường cao tốc ở nước ta quá chậm, lại trong bối cảnh phải giảm biên nên không có điều kiện để thành lập các Chi cục ở phía dưới. Mặt khác, phần lớn đường bộ cao tốc hiện nay chủ yếu là do các nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BOT, nên chúng tôi trình phương án giải thể Cục này”, Tổng cục trưởng ĐBVN Nguyễn Văn Huyện thông tin.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cả nước hiện nay mới chỉ có 901 km đường cao tốc, trong khi theo kế hoạch trước đây, đến năm 2020 con số này phải là 2.050 km. Đường ít hay nói cách khác là việc ít thì không thể để bộ máy cồng kềnh. Vì thế, việc chấm dứt sự tồn tại của Cục trên là quyết định đúng đắn của Tổng cục trong bối cảnh hiện nay.

Từ  nay đến năm 2021, mỗi năm Tổng cục ĐBVN sẽ giảm biên chế từ 15 - 17 người

Có vướng quan hệ, can thiệp khi bổ nhiệm?

Nguồn tin của PLVN cho hay, không còn Cục Quản lý đường bộ cao tốc, Cục trưởng Nguyễn Quốc Tùng sẽ được điều về làm Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư. Ba Phó Cục trưởng được điều về làm Phó ở Đảng ủy và Cục Quản lý đường bộ I và IV thuộc Tổng cục. Còn các chuyên viên thì chuyển về các Vụ An toàn giao thông và Vụ Quản lý - Bảo trì đường bộ...

“Quản lý đường bộ hay đường bộ cao tốc thì đều giống nhau, bởi đó đều là đường cả. Vì thế, việc điều động các chuyên viên của Cục Cao tốc về công tác tại 2 Vụ đó là hợp lý”, ông Huyện thừa nhận điều này sau 5 năm Cục Quản lý đường bộ cao tốc tồn tại song song với 2 Vụ có chức năng khá tương đồng.

Tổng cục trưởng ĐBVN cho biết thêm, quá trình sắp xếp và làm công tác tổ chức dịp này diễn ra tương đối thuận lợi do cách làm công khai, đề cao tính gương mẫu của Đảng viên, còn phía tổ chức thì coi trọng việc làm công tác tư tưởng. Ông Huyện nói: “Cả một đời phấn đấu lên rồi (cấp trưởng - PV), nay phải xuống vị trí thấp hơn, ai cũng sẽ có "tâm tư". Nhưng chúng tôi quán triệt, động viên đây là yêu cầu của Đảng, Nhà nước thì mọi người chấp hành và chia sẻ”.

Để tổ chức lại bộ máy theo quy định chức năng nhiệm vụ mới, sắp tới Tổng cục ĐBVN sẽ ký ban hành một loạt quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp Vụ, Cục và chuyên viên. 

Sau Tổng cục sẽ đến Vụ, Cục nào?

Theo Quyết định số 35/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục ĐBVN vừa được Thủ tướng ký ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2018, Tổng cục này sẽ có 20 đơn vị trực thuộc. Trong đó, có 14 đơn vị giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; số còn lại là đơn vị sự nghiệp. Mỗi Cục Quản lý đường bộ trực thuộc hiện cũng đã giảm được số phòng xuống còn 4…

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, sau Tổng cục ĐBVN, Bộ này cũng sẽ xem xét hợp nhất một số Vụ có chức năng tương đồng để giảm đầu mối, giảm cấp phó để thúc đẩy hiệu quả công việc.

Đọc thêm