Trong sứ mệnh Apollo 17 vào năm 1972, cũng là lần cuối cùng con người đi bộ trên Mặt trăng, các phi hành gia người Mỹ Harrison Schmitt và Eugene Carnan đã thu thập được khoảng 110,4 kg mẫu bụi và đá trên bề mặt về Trái đất để nghiên cứu.
Sau nửa thế kỷ, các tinh thể khoáng vật zircon bên trong mẫu đá lửa hạt thô do các phi hành gia thu thập đã giúp nhà khoa học hiểu sâu hơn về sự hình thành của Mặt trăng và tuổi chính xác của hành tinh này.
Nghiên cứu được công bố vào ngày 24/10 trên tạp chí Geochemical Perspectives Letters, các nhà khoa học cho biết mặt trăng “già” hơn khoảng 40 triệu năm so với ước tính trước đây. Các ước tính trước đây cho rằng Mặt trăng, được hình thành do một vụ va chạm thiên thể lớn, có độ tuổi 4,46 tỷ năm.
Phi hành gia Harrison Schmitt lấy mẫu đất trên mặt trăng vào năm 1972. Ảnh: Reuters. |
"Ngày hình thành của Mặt trăng rất quan trọng vì chỉ sau đó Trái đất mới trở thành một hành tinh có thể sinh sống được", nhà hóa học vũ trụ Philipp Heck, giáo sư Đại học Chicago và là tác giả cấp cao của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geochemical Perspectives Letters cho biết.
Theo quan điểm hiện nay của các nhà khoa học, Mặt trăng hình thành do sự va chạm của hành tinh Theia, có kích thước gần bằng hoặc nhỏ hơn sao Hoả, với Trái đất sơ khai cách đây 4,5 tỷ năm.