Được so sánh với lực lượng đặc nhiệm nổi tiếng Delta Force của Mỹ, phương châm của CTG là "Lexoman Parastin", nghĩa là "Những người hiến dâng mạng sống để bảo vệ người dân".
Polad Talabani, chỉ huy Đội Đặc nhiệm tinh nhuệ chống khủng bố Kurdistan (CTG) đóng quân tại vùng núi Sulaymaniyah, hùng hồn tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn của báo chí: "Chúng tôi sinh sống ở vùng đất này từ 10.000 năm qua và các anh nghĩ chúng tôi sẽ dễ dàng dâng nộp nó cho bọn khủng bố Daesh hay sao?"- Talabani muốn nói đến tổ chức khủng bố cực kỳ tàn bạo Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang hoành hành tại Syria và Iraq bất chấp những cuộc không kích ồ ạt của Mỹ và mới đây từ Nga.
CTG hoạt động bí mật trong hơn một thập niên trong khu vực đầy xung đột, cho đến khi IS bắt đầu xuất hiện thì sự tồn tại của đơn vị này mới thật sự được thế giới biết đến. Được so sánh với lực lượng đặc nhiệm nổi tiếng Delta Force của Mỹ, phương châm của CTG là "Lexoman Parastin", nghĩa là "Những người hiến dâng mạng sống để bảo vệ người dân".
Mỗi chiến binh CTG phải cam kết không cưới vợ trong 5 năm đầu tiên
CTG có nguồn gốc từ Chiến dịch Viking Hammer năm 2003. Trước khi tấn công Iraq, quân đội Mỹ tiến hành chiến dịch đặc biệt này để chống lại Ansar Al-Islam. Nhóm khủng bố ẩn náu trong thành phố Halabja và cần thiết phải bị tiêu diệt trước khi quân đội Mỹ tiến vào Iraq, nếu không người Mỹ sẽ phải đối đầu ở cả 2 mặt trận: một chống quân đội của Saddam Hussein và mặt trận khác là Ansar. Lực lượng Đặc nhiệm số 10 của Mỹ hợp tác với người Kurd trong vùng tự trị ở miền Bắc Iraq để loại bỏ Ansar Al-Islam và một trong những cái tên nổi bật trên chiến trường là Polad Talabani.
Polad Talabani chạy trốn để không phải phục vụ trong quân đội của Saddam Hussein, ông ta náu thân trong vùng núi Kurdistan suốt 6 năm trước khi tìm đường đến châu Âu rồi trở thành công dân Mỹ. Liên kết với lực lượng du kích Peshmerga của người Kurd, Polad Talabani thuộc đơn vị đặc nhiệm Mỹ có nhiệm vụ tiêu diệt Ansar Al-Islam để mở đường cho cuộc xâm lược Iraq năm 2003 của chính quyền Mỹ.
Sau đó, chính quyền Kurdistan quyết định xây dựng nhóm binh sĩ người Kurd được Lực lượng Đặc nhiệm số 10 huấn luyện thành đội quân tinh nhuệ dẫn đến sự thành lập CTG và Polad Talabani nắm quyền chỉ huy. Công việc tuyển quân và huấn luyện của CTG diễn ra bí mật trong vùng núi Kurdistan. Đối tượng tuyển quân nằm trong độ tuổi từ 20-30. Sau đó, tân binh bắt đầu bước vào Khóa Huấn luyện Chiến dịch (OTC) kéo dài 8 tháng - bao gồm sử dụng chất nổ, thuật xạ kích, di chuyển trong đêm với kính nhìn xuyên bóng tối, thuật bắn tỉa v.v…
Chiến binh Peshmerga. |
Với chương trình tuyển mộ và huấn luyện cực kỳ khắt khe, binh sĩ CTG được Polad Talabani đánh giá là "những chiến binh người Kurd thực thụ".
Sau thời gian dài phát triển thành đội đặc nhiệm tinh nhuệ đáng gờm, dần dần CTG không chỉ bao gồm người Kurd mà còn có cả những chiến binh người Arập và người Turkmen bởi vì như Polad Talabani nói "chúng tôi tạo cơ hội cho bất cứ ai muốn chiến đấu cùng với chúng tôi" cũng như sứ mạng của CTG là bảo vệ Kurdistan và những thành phố như Kirkuk, nơi có người Arập và người Turkmen sinh sống.
Điều đặc biệt là khi gia nhập CTG các chiến binh đều phải cam kết không cưới vợ trong 5 năm đầu tiên phục vụ đơn vị, nhằm tránh tinh thần chiến đấu bị lung lạc - Polad Talabani giải thích. Đầu não chỉ huy của CTG cũng được tổ chức rất hiệu quả theo kiểu mẫu của Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt (JSOC) của Mỹ.
Hiện nay, CTG được trang bị đầy đủ không khác gì một đội đặc nhiệm phương Tây. Họ mặc quân phục ngụy trang, mang súng trường tấn công M4 và đeo kính nhìn ban đêm. Tất cả mọi chiến dịch liên quan đến bọn khủng bố đều có sự hiện diện của CTG. Trong thời gian liên quân Mỹ chiếm đóng Iraq, CTG tiến hành nhiều cuộc đột kích khắp nước này cũng như vùng Kurdistan để săn lùng những mục tiêu có giá trị cao từ Kirkuk cho đến Mosul.
Chiến binh CTG. |
Một trong những chiến công lớn của CTG là bắt giữ được Hassan Gul - sứ giả của trùm khủng bố Osama bin Laden. Một cựu sĩ quan Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) biết rõ về CTG cho biết: "CTG là lực lượng chống khủng bố hiệu quả trong các khu vực trong những năm sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ". CTG cũng tham gia vào cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Al-Qaeda của Abu Musab al-Zarqawi ở Iraq.
Chiến dịch giải cứu con tin
Năm 2009, hoạt động CTG bắt đầu được triển khai rộng hơn với sứ mạng giải cứu con tin ở thủ đô Baghdad của Iraq. Ví dụ sứ mạng giải cứu con trai một gia đình giàu có ở Sulaymaniyah bị một nhóm người Arập bắt cóc nhằm mục đích tống tiền. Bọn chúng đòi 1,5 triệu USD tiền chuộc trong vòng 24 giờ nếu không cậu bé sẽ bị giết chết. Cái chết của cậu bé sẽ là bi kịch song nếu đồng ý trả tiền chuộc thì sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm dẫn đến nhiều vụ bắt cóc tống tiền khác nữa.
Từ trụ sở CTG, Polad Talabani quyết mở chiến dịch giải cứu táo bạo. Một tên trong nhóm bắt cóc bị CTG bắt giữ và hắn đã khai ra căn nhà đang giam giữ cậu bé nằm ở Sadr City. Sứ mạng lần này không dễ dàng cho CTG như những vụ giải cứu con tin trước đó bởi vì đây là lần đầu tiên họ thực hiện nhiệm vụ bí mật tuyệt đối tại thủ đô Iraq.
Xe bọc thép Guardian của CTG. |
Polad Talabani kể lại: "Tôi ra lệnh cho binh sĩ lái những chiếc xe tải nhỏ dân sự đến Baghdad. Sau đó lấy trộm một số xe quân sự Humvee của Mỹ". Kế tiếp, nhóm chiến binh CTG lái xe Humvee đến Sard City, khu vực nguy hiểm lân cận Baghdad chỉ có một ngõ vào hay ra và cuối cùng là một cuộc đấu súng dữ dội. Polad Talabani nhớ lại: "Chúng tôi tiêu diệt được 4 tên, một số người bị thương và cậu bé được giải cứu".
Chiến dịch giải cứu con tin thành công song chính quyền Iraq cảm thấy khó chịu khi biết được người Kurd tiến hành chiến dịch ở Baghdad. Họ còn buộc tội CTG là "đơn vị mất kiểm soát của chính quyền Kurdistan".
Cuộc chiến chống IS
Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Iraq, CTG của Polad Talabani bắt đầu bị chính quyền Iraq dò xét và nhiều chính khách kêu gọi giải thể đơn vị này do nó ngốn quá nhiều ngân sách. Theo tính toán của Polad, mỗi chiến binh CTG sử dụng số vũ khí và thiết bị quân sự trị giá đến 60.000 USD trong suốt một chiến dịch. Một số quan chức Kurdistan đánh giá CTG nên trở lại là lực lượng tự vệ Peshmerga và sử dụng súng AK như cũ.
Nhưng, Polad vẫn cho rằng Peshmerga "không thể thực hiện được những chiến dịch như người của tôi". Polad cũng hùng hồn tuyên bố CTG mặc dù "đắt tiền" song đó mới là lực lượng chống khủng bố duy nhất hiệu quả của chính quyền Kurdistan. Nếu không có sự giúp sức của Mỹ, CTG buộc lòng phải quay sang Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) để mua những chiếc xe bọc thép Guardian thay cho loại Humvee do Mỹ sản xuất. Và CTG càng gặp khó khăn hơn trước sự trỗi dậy của IS.
Tướng Ja'afer, người chịu trách nhiệm toàn khu vực Kirkuk, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của báo chí rằng, IS là kẻ thù khó chống lại hơn so với quân đội Saddam Hussein bởi vì mục tiêu duy nhất của bọn chúng là giết người và sẵn sàng chết.
Trong một số chiến dịch mới đây, CTG phải gia tăng quân số từ lực lượng Peshmerga. Do được huấn luyện đặc biệt cho cuộc chiến trong thành thị, cho nên khi giao chiến với IS trong những ngôi làng, CTG phải kết hợp với Peshmerga.
Polad Talabani (người đeo kính). |
Sáng ngày 18/4/2015, CTG bắt đầu Chiến dịch Tola tấn công một vài mục tiêu chiến lược của IS; hàng chục tên khủng bố bị tiêu diệt, bị thương và bắt sống. Trong một chiến dịch khác, CTG đột kích một thánh đường Hồi giáo do IS kiểm soát ở thị trấn Jalula.
CTG tham gia gần như mỗi cuộc tấn công của Peshmerga, nhất là ở thành phố dầu mỏ chiến lược Kirkuk ở miền Bắc Iraq. Tuy nhiên, CTG vẫn muốn quay lại với mục tiêu chính của đơn vị là tìm diệt những mục tiêu khủng bố. Các nhóm bắn tỉa của CTG thường sử dụng xe địa hình Polaris ATV lặng lẽ xâm nhập vào căn cứ của IS vào ban đêm để diệt mục tiêu. Hành động bí mật tuyệt đối, những chiến binh bắn tỉa của CTG giết chết từ 5 đến 7 tên IS trước khi rút lui.
Ngoài ra, CTG còn phải đối mặt với khó khăn, bao gồm những vấn đề mà Peshmerga cũng hứng chịu. Ví dụ, một chỉ huy Peshmerga thừa nhận ông không được nhận lương trong 6 tháng. Bản thân Polad Talabani cũng không có lương trong 4 tháng. Đây là vấn đề nan giải mà mọi lực lượng vũ trang người Kurd phải đối mặt, do chính quyền Iraq không trả số tiền nợ cho chính quyền Kurdistan.