Nguồn nào thay thế ODA?
Trong bối cảnh Chính phủ đang quản chặt nợ công và ngày một hạn chế việc bảo lãnh các khoản vay, ngành Điện buộc phải tiếp cận với các nguồn vốn vay thương mại trong, ngoài nước khác với hình thức cho vay ODA truyền thống. Trong đó, “vay không bảo lãnh của Chính phủ” được xem là thối thoát tối ưu cho nhu cầu vốn lên tới 7 tỷ USD/năm của toàn ngành Điện.
“Nhu cầu về vốn để xây dựng riêng lưới điện là khoảng 800 triệu USD/năm. Trong năm 2017 nguồn vốn đã cơ bản bản đủ, do EVN đã có sự chuẩn bị thu xếp từ trước. Nhưng từ sang năm trở đi, vấn đề vốn chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư thì không hề giảm”, ông Vũ Trần Nguyễn - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) xác nhận với PLVN.
Theo đó, hình thức vay nói trên không vướng trần nợ công, nợ Chính phủ vẫn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng đòi hỏi “chỉ số” tin cậy của ngành Điện đối với các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước phải cao mới đảm bảo để có được những khoản vay lớn trong tương lai.
Xung quanh vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri từng cho biết, cách đây 4 năm, Tập đoàn này đã có đươc khoản vay trị giá 100 triệu USD từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để đầu tư nguồn điện ở Lai Châu mà không cần tới sự bảo lãnh của Chính phủ. Thoả thuận đạt được nói trên là một tiền đề quan trọng để EVNNPT tiếp cận và đặt vấn đề với nhà tài trợ về những khoản vay lớn cho những dự án truyền tải điện trong tương lai gần.
“Tuần trước, chúng tôi và đại diện của AFD đã có cuộc trao đổi khá cởi mở tại Hà Nội. AFD vừa là nhà tài trợ truyền thống của ngành Điện, nhưng cũng là tổ chức tiên phong trong việc áp dụng hình thức cho vay không cần có sự bảo lãnh từ Chính phủ Việt Nam”, Phó “Tổng” EVNNPT Vũ Trần Nguyễn cho biết thêm.
|
Đại diện Bộ Tài chính và KfW ký kết Hiệp định vay cho 1 dự án về lưới điện của EVNNPT |
Sẽ có khoản vay trong năm 2019
Được biết, ngoài việc từng cấp vốn không cần bảo lãnh cho Dự án Thuỷ điện Huội Quảng, AFD, trước đã cùng với Ngân hàng Phát triển Châu Á đồng tài trợ khoản vay ODA cho Dự án truyên tải điện miền Bắc và Dự án lưới điện truyền tải 2 của EVNNPT trị giá 140 triệu EURO
Theo đại diện của EVNNPT, sắp tới nhu cầu đầu tư của “tổng” này chắc chắn vẫn cao, trong khi nguồn vốn ODA không còn dồi dào như trước đang là một thách thức hiện hữu đối với công tác thu xếp vốn cho lĩnh vực này. Vì thế, ngoài AFD, EVNNPT còn đặt vấn đề với các nhà tài trợ vốn khác như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW)… về phương thức vay không có sự bảo lãnh của Chính phủ.
Với sự nỗ lực đó, EVNNPT hy vọng sẽ thu xếp được khoản vay đầu tiên với AFD trong vòng 2 năm nữa, thông qua hình thức vay không có bảo lãnh của Chính phủ.
Theo đó, nếu đạt được thoả thuận, việc vay vốn sẽ được ký kết trực tiếp giữa nhà tài trợ vốn với doanh nghiệp; ngoài ra, thời gian thực hiện thủ tục thẩm định vay vốn cũng sẽ được rút ngắn hơn thủ tục vay vốn ODA.
Dự kiến, thời hạn vay sẽ được kéo dài trong 15 năm và thêm 5 năm ân hạn, nhưng lãi suất “mềm” hơn lãi vay thương mại. Tuy nhiên, phía tài trợ vốn cũng sẽ xem xét rất kĩ các tiêu chí như khả năng sinh lời, tính khả thi về mặt kỹ thuật… trước khi quyết định lựa chọ dự án để cấp vốn.
Sau một thời gian thực hiện các Dự án ODA, chúng tôi nhận thấy, đã tới lúc mình không thể lẽo đẽo đi theo “mẹ” mãi được nữa! Tức khi, mình đã gây dựng được quan hệ, sự tin cậy... thì phải tự “bơi” chứ không thể trông chờ vào bảo lãnh của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang bị giới hạn bởi trần nợ công”, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri.