Tìm cách 'hồi sinh' dòng suối duy nhất chảy từ Hải Vân về Đà Nẵng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Suối Lương (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) là dòng suối duy nhất chảy từ đèo Hải Vân về Đà Nẵng, nhưng nhiều năm qua đã cạn khô.
Suối Lương khô cạn, trơ đáy. (Ảnh: Vũ Vân Anh)
Suối Lương khô cạn, trơ đáy. (Ảnh: Vũ Vân Anh)

Suối đầu nguồn trơ đáy

Suối Lương dài hơn 15km, bắt nguồn từ đèo Hải Vân, chảy xuống khu vực trung tâm phường Hòa Hiệp Bắc rồi đổ ra biển. Trước đây, hằng năm, suối cung cấp cả triệu m3 nước cho người dân hạ lưu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, bảo đảm công tác PCCC rừng. Suối Lương còn đóng vai trò quan trọng trong điều tiết khí hậu tiểu khu 4A rừng Nam Hải Vân, bảo đảm môi trường sống cho động vật, thực vật tự nhiên…

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND phường, hiện trạng suối Lương vào mùa mưa (từ khoảng tháng 10 - tháng12 hàng năm), lượng nước rất lớn, chảy xiết, có khả năng gây ra lũ quét. Nhưng vào mùa hè (từ tháng 4 - tháng 9), thì lượng nước rất ít, có những tháng khô hạn.

Gần 60 năm sống bên suối Lương, ông Phạm Văn Tí (ngụ tổ 5) cho biết, dù được giao khoán rừng, trồng cây ăn trái ngay sát bờ suối, song ông vẫn phải lắp ống dẫn nước từ nguồn nước cách đó hơn 700m để tưới tiêu. Dòng suối tràn trề nước ngày xưa, nay thường xuyên khô cạn, không còn đủ nước để tưới 4ha rừng trồng của gia đình ông.

Thời gian qua, cao điểm mùa khô, dòng suối trơ đáy lộ ra đá tảng. Hai bên bờ sạt lở, nhiều cây cối ngã đổ xuống lòng suối. Tại khu vực suối chảy qua đường dẫn phía Nam hầm Hải Vân, hàng trăm khối đá lớn nặng hàng tấn bị xô ngổn ngang dưới gầm cầu. Trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2022 ở Đà Nẵng, tại vị trí này đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, nước mưa cuốn theo hàng nghìn m3 bùn, đất, đá tảng xuống tràn lòng đường, chắn lối vào hầm. Đơn vị quản lý hầm đã lập tức xúc dọn, khơi thông lòng đường. Nhưng dưới gầm cầu, còn nhiều đất đá kẹt lại lòng suối, ảnh hưởng dòng chảy.

Phía dưới đường dẫn hầm Hải Vân, khu vực hạ lưu suối Lương, có một số điểm kinh doanh ăn uống, dã ngoại tự tạo cảnh quan đã gây tác động lên dòng suối. Theo báo cáo của UBND phường, từ những năm 1990, nhờ hệ sinh thái trong lành, phong phú, suối Lương trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn. Từ đó, một số hộ dân qua nhiều năm đã mở rộng mô hình, lắp đặt các sạp, lều tạm để phục vụ đồ ăn, nước uống. Hiện khu vực suối Lương chỉ có 1 DN được cấp phép kinh doanh du lịch sinh thái, số còn lại là kinh doanh tự phát.

Việc suối Lương khô hạn dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nước phục vụ cho đời sống sinh hoạt người dân, thay đổi môi trường sinh thái trong khu vực và tưới tiêu cho hơn 10ha đất trồng lúa ở hạ lưu suối.

Dự kiến nhiều giải pháp

Ông Nguyễn Hồng An, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, Sở đã phối hợp đi kiểm tra thực tế, đánh giá, xác định một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khô hạn tại suối Lương.

Cụ thể, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ đầu năm đến nay, lượng mưa trên địa bàn thiếu hụt, nhất là từ tháng 1 - 4. Số liệu tại trạm quan trắc suối Lương, lượng mưa ghi được trong các tháng trên thấp hơn cùng kỳ năm 2023 từ 1,43 - 14 lần.

Nguyên nhân nữa là khu vực thượng lưu suối Lương có nhiều đoạn bị sạt lở, bồi đắp đất đá, gây cản trở dòng chảy. Khu vực hạ lưu có các hoạt động của con người tác động, xây dựng các ao hồ phục vụ du lịch, làm thu hẹp dòng chảy của suối, cản trở lưu thông. Ngoài ra, có tình trạng một số hộ trồng rừng khi thu hoạch keo lá tràm, khai thác theo quy trình chưa phù hợp, khai thác đồng loạt, chậm trồng rừng lại, dẫn đến khu vực này không duy trì mạch nước ngầm.

Để giải quyết vấn đề, ông An cho biết, trước mắt triển khai nạo vét đất đá bồi đắp để khơi thông dòng chảy. Rà soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý tài nguyên nước, cát, sỏi, lòng sông. Có giải pháp thay thế cây keo lá tràm bằng các cây khác, phù hợp với tác dụng điều hòa khí hậu, giữ ẩm cho đất, tăng khả năng tái tạo mạch nước ngầm, giảm xói mòn đất.

Về lâu dài, UBND TP đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây phường Hòa Hiệp Bắc. Theo quy hoạch, dự án có hạng mục thoát nước khu vực 1 - tuyến thoát nước chính suối Lương, nằm trong nhóm những hạng mục ưu tiên đầu tư. Triển khai được phương án này sẽ cải thiện được vấn đề thất thoát nước ở suối Lương. Đồng thời, phải rà soát tổng thể, lập phương án, đề xuất phê duyệt quy hoạch dịch vụ du lịch sinh thái khu vực xung quanh suối Lương.

Đọc thêm