Kết nối tiêu thụ
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), năm 2022, kim ngạch XK hành, hẹ, tỏi của Việt Nam đạt khoảng 31,2 triệu USD, tăng gần 360% so với năm 2021. Thị trường XK chủ yếu là châu Á (chiếm hơn 90%), sau đó là châu Mỹ, châu Âu và châu Úc.
Tính riêng các quốc gia, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hành, hẹ, tỏi lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2022 là hơn 17 triệu USD, chưa kể kim ngạch 6,6 triệu USD của Đài Loan. Tiếp đến là Ấn Độ, Hoa Kỳ, Lào, Nhật Bản, Myanmar… Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK nông sản, (trong đó có hành, tỏi, hẹ) chỉ đạt khoảng 6,28 tỷ USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cuối tuần qua, lần đầu tiên, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT tổ chức riêng một Diễn đàn “Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ hành, hành tím”. Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã tỏ ra sốt ruột khi sức mua của thị trường đang có xu hướng giảm, trong khi năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp vẫn đủ phục nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (XK).
Thứ trưởng đánh giá, hành là sản phẩm lợi thế của rất nhiều địa phương như Hải Dương, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi... Tuy nhiên, XK 2 tháng đầu năm mới đạt 240 tấn, theo Thứ trưởng đây là một con số rất nhỏ. “Để tránh tình trạng “được mùa mất giá”, đảm bảo thu nhập cho người nông dân, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổ công tác 970 tổ chức Diễn đàn với kỳ vọng là cầu nối, đưa các tập đoàn, siêu thị, DN tiêu thụ trong nước và XK nắm được tình hình sản xuất của các địa phương, từ đó kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hành cho người dân” - Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng cũng kỳ vọng thông qua Diễn đàn, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các vị tham tán Việt Nam ở nước ngoài sẽ giúp mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm hành. Đồng thời, đây cũng là dịp để các vựa hành trên cả nước quảng bá, giới thiệu thương hiệu hành của mình với các thị trường thế giới.
Thay đổi để cạnh tranh
Tại Diễn đàn, ông Trần Quang Huy, Tham tán Nông nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ thông tin, quy mô thị trường hành, hẹ thế giới năm 2023 là khoảng 42 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 70 tỷ USD trong những năm tới. Riêng thị trường Mỹ, với hơn 300 triệu dân, sức tiêu thụ lớn đối với các mặt hàng nông sản trong đó có rau gia vị.
Cũng theo ông Huy, hệ thống quy định, tiêu chuẩn của Mỹ về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật rất cao, đặc biệt là đối với thực phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, với hành chế biến XK sang thị trường này sẽ không phải qua rào cản kiểm dịch thực vật và phân tích nguy cơ dịch hại, có thể sử dụng ở nhiều hình thức khác nhau thông qua hệ thống phân phối.
Khoảng cách địa lý, logistic và vấn đề bảo quản là những khó khăn hiện hữu khi XK vào thị trường Mỹ. Không những phải cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác như Thái Lan, Trung Quốc, Mexico vốn có lợi thế về chi phí vận chuyển, hệ thống phân phối và thương hiệu mà các DN Việt Nam cần chứng minh điểm mạnh của mình về giá cả, chất lượng, trong khi đó, DN Việt Nam vẫn còn yếu, thiếu tính liên kết, chưa đủ khả năng đáp ứng được đơn hàng lớn…
“DN Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm, hình thức sản phẩm để kéo dài thời gian bảo quản, tận dụng lợi thế các kênh phân phối để tiếp cận thị trường khi hành, hẹ được dùng cho nhiều mục đích tại Mỹ như sử dụng làm thực phẩm, gia vị bột khô, gia vị làm bánh, chuỗi nhà hàng ăn nhanh” - ông Huy đưa ra lời khuyên.
Cũng câu chuyện cạnh tranh về giá, ông Lê Vương Quốc, Phó Giám đốc Công ty CP Gimex Việt Nam cho rằng, hành tím Việt Nam có đặc trưng riêng và đa số được xuất đi các nước là để phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại, còn để xâm nhập vào các thị trường tiêu thụ gia vị nhiều thì khó cạnh tranh do giá cao.
Theo DN này, mặt hàng củ hành của Trung Quốc, Ấn Độ thường rẻ hơn Việt Nam khoảng 50%. Cụ thể hành Ấn Độ củ tròn từ 3cm trở lên giá chỉ 250 USD/tấn (khoảng 6.000 đồng/kg), trong khi của Việt Nam là 25.000 – 30.000 đồng/kg, mà còn nguyên bó, chưa cắt rời.
Về mẫu mã, trong khi loại hành 1 củ được thế giới ưa chuộng do dễ bóc vỏ chế biến, thì Việt Nam lại trồng loại hành 1 củ có nhiều tép, khó bóc và khi tách ra thì lại quá nhỏ…
DN này đề nghị ngành nông nghiệp cần hỗ trợ nông dân thay đổi quy trình sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất và giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh về giá trên thị trường cả trong nước và XK,…
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT):
Phải đổi tư duy, không chỉ coi bán hành là bán thực phẩm
Tiềm năng, dư địa của thị trường tiêu thụ hành, hành tím vẫn còn rất lớn. Bởi lẽ, nhu cầu sử dụng hành để làm nguyên liệu không chỉ dừng ở việc cung cấp thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống mà hành, tỏi đã trở thành nguyên liệu quan trọng trong chế biến dược phẩm. Do đó, để không còn tình trạng “giải cứu”, “được mùa, mất giá”, các địa phương phải thay đổi tư duy theo hướng “bán hành không chỉ là bán thực phẩm mà là bán nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhiều ngành hàng”.
Để làm được điều đó, các địa phương phải đánh giá lại tiềm năng, lợi thế của sản phẩm, cũng như có giải pháp để tháo gỡ những khó khăn. Phải kể được những câu chuyện, giới thiệu được những thế mạnh riêng có của sản phẩm hành ở địa phương mình với thị trường. Từ đó, tự tin khẳng định thương hiệu và giá bán sản phẩm.
Các vùng trồng phải: Tổ chức lại sản xuất để chuẩn hóa về mặt chất lượng; Phát triển đa dạng sản phẩm chế biến từ hành; Hoàn thiện hệ thống logistic, kho bảo quản lạnh để chủ động trước sự biến động của thị trường; Đầu tư xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm hành địa phương; Chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh; Áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ để thuận lợi kết nối với các thị trường; Tăng cường tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm...