Cần phân cấp rõ trách nhiệm
Cơ bản nhất trí với Dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, đại diện các địa phương đã thảo luận và góp ý, đề xuất vào nhiều nội dung quan trọng, mang tính định hướng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch năm 2014 trên cơ sở tiếp tục phát huy những kết quả của năm 2013, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường các biện pháp điều hành thực hiện kế hoạch, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững theo các mục tiêu đã đề ra.
Cho rằng một nguyên nhân dẫn đến hạn chế, tồn tại trong chỉ đạo, điều hành thời gian qua là phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng vì với bộ máy hành chính “song trùng trực thuộc” nhưng không làm rõ được trách nhiệm nên có nhiều việc bị né tránh, có việc lại bị ôm đồm khiến nhiều việc tồn tại kéo dài, vướng mắc nhiều năm không giải quyết được, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo kiến nghị từ năm 2014, cải cách hành chính phải đẩy mạnh phân cấp, làm rõ trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan trong bộ máy.
Từ kinh nghiệm là một trong những địa phương có những thành tựu ấn tượng về cải cách hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho biết, tập trung nâng cao chất lượng cán bộ, công chức là giải pháp cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền. Thông qua kết quả kỳ thi tuyển công chức vừa qua của tỉnh, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Từ năm 2013 và những năm tới, Thanh Hóa tập trung “thắt” đầu vào để có đội ngũ cán bộ chất lượng, không để diễn biến tình trạng” cứ thi là đậu” như những năm trước khiến bộ máy khó phát huy hiệu quả”.
Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở
Đại diện nhiều địa phương đã có những kiến nghị cụ thể về các dự án đầu tư công trong xây dựng cơ bản cần được tiến hành trong năm 2014 để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, qui hoạch sử dụng, cải tạo đất lúa, hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, tăng nguồn vốn cân đối vốn ODA cho các địa phương, cân đối nguồn lực để các địa phương duy tu, nâng cấp hồ đập...
Trong bối cảnh khó khăn của năm 2014 đã được dự báo, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị: “Phải kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư công vào xây dựng kết cấu hạ tầng. Đây vừa là giải pháp để giải quyết khó khăn thị trường cũng vừa để thúc đẩy phát triển kinh tế”.
Để triển khai kế hoạch năm 2014, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung hỗ trợ cho các DN tái cấu trúc, tăng cường đầu tư hạ tầng cho các dự án thích nghi biến đổi khí hậu, triển khai hạ tầng cơ sở. Còn theo Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Dương Anh Điền, cần chú ý đến vấn đề phát triển thị trường trong năm 2014 bởi “khó khăn trong năm 2013 cũng do hạn chế về thị trường...”.
Xuất phát từ thực tế thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thủy kiến nghị năm 2014, Chính phủ quan tâm đến nguồn lực để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới do nguồn lực hạn chế.
Với Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan, quan tâm đến phát triển yếu tố hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, tái cơ cấu nông nghiệp... nên được quan tâm như một giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 cho Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long...
Cùng với các đề xuất phát triển kinh tế - xã hội, nhiều địa phương cũng đã kiến nghị các Bộ, ngành cần ban hành ngay các văn bản chỉ đạo để địa phương thực hiện, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngay từ quý 1/2014.
Trong số các giải pháp cụ thể được xác định trong Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng để tạo điều kiện thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự để bảo vệ quyền chủ nợ và thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh; phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh triển khai Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư; thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền….