Trong 2 ngày từ 3 - 4/8, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học cùng gần 200 võ sư, trọng tài võ cổ truyền trên cả nước.
Võ cổ truyền Việt Nam là tên gọi chung cho các hệ phái võ thuật của 54 dân tộc Việt Nam, được hình thành, phát triển gắn liền với công cuộc dựng nước, giữ nước oai hùng của ông cha ta. Trải qua hơn 4.000 năm lịch sử, võ cổ truyền Việt Nam không chỉ là di sản văn hóa quý báu của dân tộc, mà còn là môn thể thao để rèn luyện kỹ năng tự vệ, nâng cao sức khỏe, hun đúc tinh thần thượng võ, yêu nước, đoàn kết và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các thế hệ người Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo. |
Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa to lớn của võ cổ truyền Việt Nam, ngày 3/4/2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành quyết định số 10 về phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020 nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tại hội thảo, ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, đến năm 2022, võ cổ truyền Việt Nam phát triển ở hơn 50 quốc gia, quảng bá tại hơn 70 nước trên thế giới. Ở trong nước, võ cổ truyền có ở 58 đơn vị, địa phương, trong đó có trên 40 tổ chức hội, liên đoàn cấp tỉnh/thành, bộ, ngành với trên 60 chi hội trực thuộc; có hơn 700 võ đường, câu lạc bộ với trên 100 môn phái, võ phái, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài nước tham gia tập luyện, nhất là thanh thiếu nhi, học sinh, cán bộ chiến sĩ công an nhân dân, quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông Đặng Hà Việt phát biểu tại hội thảo. |
“Bên cạnh những kết quả đạt được, võ cổ truyền Việt Nam còn nhiều khó khăn, tồn tại, trong đó có công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò của võ cổ truyền còn hạn chế, một số địa phương chưa ưu tiên đầu tư phát triển võ cổ truyền trong trường học theo quy định”, ông Việt cho biết.
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao mong muốn lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm hơn nữa đến sự phát triển môn võ cổ truyền, coi môn võ cổ truyền là một phương tiện hữu hiệu để phát triển thể lực, tầm vóc và giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Theo ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Bình Định là địa phương tiên phong tổ chức Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam từ năm 2006, với định kỳ 3 năm một lần để các võ sư, võ sĩ, võ sinh và những người đam mê, yêu võ thuật cổ truyền Việt Nam hội tụ về miền đất võ học hỏi, giao lưu nhằm góp phần cùng với cả nước để võ cổ truyền Việt Nam tỏa sáng và vươn xa.
“Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định cầm roi đi quyền”. |
“Hội thảo các giải pháp để đẩy mạnh sự phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của võ cổ truyền Việt Nam, kể cả trước mắt và lâu dài. Đây là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại một chặng đường đã qua, những gì chúng ta đã làm được và những gì chúng ta chưa làm được, khó khăn, thách thức là gì. Từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực và khả thi nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển võ cổ truyền Việt Nam trong thời gian tới đến”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, võ sư, trọng tài đã tập trung thảo luận về các nhóm giải pháp, gồm: chính sách và nhiệm vụ bảo tồn, phát triển võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030; tuyên truyền, quảng bá và hợp tác quốc tế về võ cổ truyền Việt Nam; xây dựng và nâng cao chất lượng phong trào võ cổ truyền Việt Nam; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật và hiệu quả hoạt động của liên đoàn/hội võ thuật cổ truyền Việt Nam.