Võ cổ truyền Bình Định: Hành trình một di sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Võ cổ truyền Bình Định là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp, hun đúc nên dòng võ đậm nét tinh hoa của dân tộc nhưng mang sự riêng biệt của “miền đất võ”.
Dạy võ cổ truyền ở Bình Định.
Dạy võ cổ truyền ở Bình Định.

Bình Định là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển văn hóa, nghệ thuật trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước. Bên cạnh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - nghệ thuật bài chòi miền Trung, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - nghệ thuật hát bội Bình Định thì di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm, đến thời Tây Sơn vào thế kỷ XVIII thể hiện rõ nét.

Thời kỳ này, võ cổ truyền Bình Định chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn biến đổi về chất, nhằm đáp ứng nhu cầu chiến đấu của cuộc khởi nghĩa với phạm vi và quy mô trước đây chưa có.

Nói cách khác, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là môi trường, là điều kiện thúc đẩy võ cổ truyền Bình Định phải nâng cao về chất lượng, phải hoàn thiện cái vốn có của mình để phát huy tác dụng trong bối cảnh lịch sử khắc nghiệt hơn và hình thành diện mạo mới của võ cổ truyền Bình Định.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có hàng nghìn nghệ nhân đang nắm giữ võ cổ truyền Bình Định.
Toàn tỉnh Bình Định hiện có hàng nghìn nghệ nhân đang nắm giữ võ

cổ truyền Bình Định.

Võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau. Đồng thời, quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh túy nhất để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng di sản võ học chân truyền của dân tộc.

Từ thời Tây Sơn, di sản võ cổ truyền Bình Định luôn được gìn giữ, bồi đắp và phát huy. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, với sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, võ cổ truyền Bình Định đã có những bước phát triển nổi bật trong công tác bảo vệ và phát huy những giá trị đặc trưng của một di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn truyền thống, gắn với xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định phát triển.

Võ cổ truyền Bình Định là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau.
Võ cổ truyền Bình Định là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các

dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau.

Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi danh võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2013, UBND tỉnh Bình Định quyết định thành lập Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định - nơi giao lưu, trao đổi về các dòng võ cổ truyền, là ngôi nhà chung của các làng võ cổ truyền Bình Định, là nơi bảo trợ trên 100 võ đường võ cổ truyền Bình Định.

Rất nhiều đề tài, đề án được tỉnh Bình Định ban hành, thực hiện, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể võ cổ truyền Bình Định. Toàn tỉnh hiện có hàng nghìn nghệ nhân đang nắm giữ võ cổ truyền Bình Định, thực hành và truyền dạy tại gần 200 võ đường, câu lạc bộ võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Thiếu nữ Bình Định biểu diễn võ cổ truyền.
Thiếu nữ Bình Định biểu diễn võ cổ truyền.

Từ năm 2006 đến nay, Bình Định là nơi đã tổ chức 7 kỳ Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam, là nơi giao lưu di sản võ cổ truyền từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với di sản võ cổ truyền Bình Định. Điều đó nói lên võ cổ truyền Bình Định không những có bề dày lịch sử võ học, thể hiện sự đậm nét và phong phú của một di sản văn hóa phi vật thể, mà còn ảnh hướng sâu rộng và giao lưu, lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới. Võ cổ truyền Bình Định cũng đã có nhiều võ đường được thành lập, thực hành và truyền dạy ở nhiều nước trên thế giới.

Ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định, cho biết: “Qua 17 năm với 7 kỳ tổ chức Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức thành công, có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với hàng nghìn võ sư, võ sinh về tham dự. Tinh thần đoàn kết quốc tế, quốc gia và dân tộc được thể hiện rõ nét qua số lượng võ sư, võ sinh và du khách quốc tế về Bình Định trong thời gian diễn ra các kỳ liên hoan. Đặc biệt, các kỳ liên hoan sau luôn có số lượng thành viên tham gia nhiều hơn kỳ trước”.

Qua 7 kỳ tổ chức liên hoan đã có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với hàng nghìn võ sư, võ sinh về tham dự.
Qua 7 kỳ tổ chức liên hoan đã có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với hàng nghìn võ sư, võ sinh về tham dự.

Sắp tới đây, từ ngày 2 - 5/8, Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - Bình Định 2023, với chủ đề “Võ cổ truyền Việt Nam - Khát vọng vươn xa” sẽ diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đến nay, đã có 1.200 võ sư, võ sinh của 65 đoàn, trong đó có 16 đoàn nước ngoài đăng ký tham dự liên hoan.

Liên hoan lần này là một hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giới thiệu với bạn bè quốc tế về quê hương, đất nước, con người Bình Định. Liên hoan không chỉ giới thiệu về võ cổ truyền mà còn có các chương trình giới thiệu, quảng bá các giá trị truyền thống lịch sử, các danh lam, thắng cảnh, địa danh lịch sử nhằm tạo ấn tượng sâu sắc về miền đất võ với du khách và bạn bè quốc tế đến tham dự liên hoan.

Hiện đã có 16 đoàn nước ngoài đăng ký tham dự Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - Bình Định 2023.
Hiện đã có 16 đoàn nước ngoài đăng ký tham dự Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII - Bình Định 2023.

“Đây là cơ hội để các đoàn võ thuật trong nước, quốc tế gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về công tác bảo tồn, phát huy võ cổ truyền Việt Nam nói chung và võ cổ truyền Bình Định nói riêng ở trong nước, trên thế giới, tiến đến xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết.