Tìm giải pháp “đi đường dài” cho du lịch xanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, du lịch Hà Nội đã kích hoạt nhiều sản phẩm du lịch xanh để phục vụ du khách. Đây là một tín hiệu vui nhưng về lâu dài, cần thực hiện nhiều giải pháp căn cơ hơn để loại hình này có thể phát triển bền vững.
Sản phẩm du lịch xanh: tour xe điện, xe đạp tại Hà Nội. (Ảnh minh họa)
Sản phẩm du lịch xanh: tour xe điện, xe đạp tại Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Thêm nhiều tour thân thiện môi trường

Tại Hà Nội, việc phát triển du lịch xanh đã nằm trong chiến lược phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô. Từ năm 2019 đến nay, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn về du lịch cộng đồng, ứng xử văn minh du lịch ở các quận, huyện, thị xã. Sở cũng yêu cầu các đơn vị lữ hành, điểm đến cần lưu ý đến những yếu tố môi trường, bảo đảm an toàn sức khỏe, phát triển bền vững trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch.

Trong dịp SEA Games 31 vừa qua, các đơn vị kinh doanh du lịch Hà Nội ra mắt nhiều sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Điển hình là tour “Du lịch xanh trong thành phố xanh với phương tiện giao thông sạch” của Công ty Cổ phần Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), cho phép du khách được khám phá các tuyến phố cổ, di tích lịch sử, văn hóa - lịch sử cách mạng và các công trình kiến trúc Pháp trên địa bàn quận Hoàn Kiếm bằng xe điện, trong khoảng thời gian từ 35 đến 40 phút. Hay tour đi bộ khám phá kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; và hàng loạt tour xe đạp được Sở Du lịch Hà Nội giới thiệu trong danh sách 28 tour du lịch tiêu biểu của Thủ đô, như: Tour xe đạp khám phá Cổ Loa (huyện Đông Anh), Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), các di tích thuộc “Thăng Long tứ trấn”… Khu vực ngoại thành có các sản phẩm du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, tắm lá thuốc của người Dao, huyện Ba Vì; các hoạt động trải nghiệm tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); du lịch cộng đồng tại huyện Thạch Thất…

Có thể thấy, du lịch xanh phù hợp với xu hướng chung của thế giới, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tuy nhiên, nếu so sánh với các loại hình du lịch khác thì du lịch xanh mới trở nên quen thuộc với nhiều người dân Thủ đô vài năm gần đây. Đáng nói, để du lịch xanh có thể phát triển lâu dài và bền vững cần sự tham gia và góp sức của cộng đồng địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

Đó là bài học đến từ thành phố Hội An – tại đây cộng đồng doanh nghiệp đã tiên phong làm du lịch bền vững, không rác thải (zero waste), bảo vệ môi trường và thiên nhiên… Người làm du lịch cũng lan tỏa thói quen bảo vệ môi trường này tới du khách. Đơn cử, Silk Sense Hội An River Resort đã thực hiện việc tái sử dụng những vật dụng thân thiện với môi trường, giảm thiểu tối đa dùng bao bì, hộp nhựa một lần; thay thế các vật dụng bàn chải đánh răng, lược... làm từ nhựa bằng các sản phẩm làm từ tre; tận dụng rác để làm phân hữu cơ bón cho cây xanh… Còn trang trại An Nhiên (Hội An) đã triển khai chương trình “Tái chế xà phòng sạch” và “Vải cho cuộc sống” từ năm 2018. Đến nay đã có trên 60 doanh nghiệp tại thành phố Hội An ký cam kết không rác thải. Thành phố này đặt mục tiêu đến năm 2025 ít nhất 70 - 100 đơn vị có chứng nhận du lịch xanh, để Hội An sớm được công nhận là điểm đến du lịch xanh.

Làm gì để “đi đường dài”?

Thực tế cho thấy, du lịch xanh có nhiều ưu điểm như tạo không gian xanh và trải nghiệm thân thiện với môi trường cho du khách, tạo nguồn thu nhập cho người dân ở nhiều địa phương, giảm được một phần áp lực lên các di sản, định dạng thương hiệu du lịch… Tuy nhiên, việc chuyển đổi xanh trong hoạt động du lịch không hề dễ dàng, thường làm tăng chi phí vì doanh nghiệp phải thay đổi từ giải pháp quản trị, đầu tư dài hạn cho vật chất, cơ sở hạ tầng đến việc đào tạo, nâng cao ý thức của đội ngũ nhân viên.

Bên cạnh đó, hoạt động truyền bá, quảng cáo thu hút du khách đến trải nghiệm cũng là một thách thức lớn bởi thói quen sống “nhanh – tiện – rẻ”, ít để tâm đến môi trường, đã “ăn sâu” vào tiềm thức của một bộ phận người dân. Do đó mới xảy ra những tình trạng như sản phẩm phục vụ du khách bị sử dụng thừa thãi, dẫn đến lãng phí, rác thải từ du lịch tăng lên… Các đơn vị lữ hành, công ty du lịch có thể tư vấn cho du khách hạn chế đồ nhựa một lần trong hành trình du lịch, nhưng việc họ tuân thủ hay không dựa vào ý thức tự giác của mỗi người.

Chính vì thế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VH,TT&DL Hà Văn Siêu đã khẳng định trước truyền thông: Để phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường, xã hội, các địa phương cần nêu cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Còn Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh cho rằng, các câu lạc bộ du lịch cần có sự chia sẻ, liên kết cùng nhau bảo vệ môi trường.

Hiện nay du lịch xanh mới chỉ phát triển phổ biến tại một số địa phương như Hội An, Đà Nẵng,… Thậm chí ngay tại những thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh, du lịch xanh cũng chỉ mới được một số doanh nghiệp du lịch phát triển, sản phẩm vẫn chưa đa dạng, chưa tạo được “làn sóng bùng nổ” trong cộng đồng. Phần lớn địa phương khác vẫn còn “loay hoay” với việc chuyển dịch xanh trong ngành du lịch địa phương để thu hút du khách.

Với chủ đề của Năm Du lịch Quốc gia 2022 là du lịch xanh, loại hình này đang có nhiều lợi thế để mở rộng và phát triển trên phạm vi rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, để làm được điều đó rất cần sự đồng hành kiên trì, bền bỉ của cộng đồng địa phương, bao gồm cả khu vực doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần có các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ về cơ chế và nguồn lực cho doanh nghiệp đi theo hướng này một cách lâu dài.

Đọc thêm