Tìm giải pháp xử lý nạn lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cục Đường bộ (Bộ GTVT) vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện kế hoạch triển khai Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ trong tình hình mới.
Giải tỏa các chướng ngại vật để bảo đảm an toàn hành lang giao thông tại Km40+560 QL2D (xã Hà Thạch, TX Phú Thọ).
Giải tỏa các chướng ngại vật để bảo đảm an toàn hành lang giao thông tại Km40+560 QL2D (xã Hà Thạch, TX Phú Thọ).

Theo đó, chỉ thị giao Bộ GTVT rà soát, tăng cường phân cấp quản lý đường bộ, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và tổ chức giao thông cho các địa phương để chủ động trong công tác tổ chức, quản lý giao thông và duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, khắc phục “điểm đen” về giao thông.

Tại Hội nghị, đại diện TCty Phát triển hạ tầng & Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI - đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì QL5) cho biết, tình trạng vi phạm lấn chiếm hành lang đường bộ vẫn tiếp tục diễn ra.

Điển hình là việc lấn chiếm gầm cầu tại Km16+970 (xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, Hưng Yên), Km28+753 (phường Bạch Sam, TX Mỹ Hào, Hưng Yên); dựng lều bạt để bán hàng ven đường đoạn Km15+900-Km15+950, Km16+400-Km16+500; họp chợ lấn toàn bộ lòng đường gom khu vực Km12+810 khiến xe máy, xe thô sơ phải đi vào làn xe cơ giới, nếu xảy ra tai nạn giao thông sẽ rất nghiêm trọng do các khu vực này tập trung đông người...

Ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ, cho biết, tại điểm e mục 1 Chỉ thị số 10/CT-TTg và mục 6 Phần II Kế hoạch 4485/KH-BGTVT về việc “tổ chức và tổ chức lại giao thông khoa học, hợp lý, đồng bộ gắn với việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hành lang ATGT”, Cục Đường bộ đã lên phương án cụ thể.

Tại Hội nghị, Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, vận tải đường bộ chiếm tới 95% thị phần vận tải hành khách và 75% vận tải hàng hóa nên ATGT còn diễn biến phức tạp, TNGT vẫn còn ở mức cao. Do đó, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 10/2023 với các giải pháp đưa ra nhằm bảo đảm ATGT và tiếp tục giảm sâu TNGT. Trên tinh thần ấy, Cục sẽ ban hành kế hoạch để thực hiện thắng lợi chỉ đạo của Thủ tướng. Đưa ra những chỉ đạo cụ thể hơn, ông Cường yêu cầu các đơn vị liên quan phải thay đổi tư duy, không chờ vốn hay đầy đủ hồ sơ thủ tục mới triển khai.

Ông Cường thẳng thắn: “Những hạng mục không phức tạp như thiếu vạch sơn, biển báo, gờ giảm tốc phải xử lý ngay bằng nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên”. Các “điểm đen” TNGT có quy mô, kinh phí lớn áp dụng hình thức phân kỳ đầu tư. Với các “điểm đen” TNGT đã được phê duyệt phải hoàn thành trước 30/6.

Theo đó, Cục giao các Khu quản lý, Sở GTVT chủ trì phối hợp UBND các tỉnh, các đơn vị liên quan đề xuất xây dựng Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ hàng lang an toàn đường bộ, trong đó chú trọng quy định phân công nhiệm vụ cụ thể từng cơ quan, đơn vị… Từ đó, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra vi phạm.

Trước yêu cầu xem xét trách nhiệm người đứng đầu, đại diện TCty VIDIFI cho rằng “cần xem xét cả vai trò của địa phương”. Bởi trên thực tế cần phải có sự vào cuộc của địa phương nếu không tình trạng tái lấn chiếm hành lang ATGT sẽ vẫn tiếp diễn.

“Do một số địa phương chưa quyết liệt nên còn tình trạng người dân lấn chiếm. Như tại QL5, việc lấn chiếm hành lang bán hàng của các hộ dân sinh sống bên đường khá phổ biến, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng thanh tra xử lý nhưng tình trạng vẫn tái diễn”, đại diện VIDIFI cho hay.

Đồng tình quan điểm này, ông Võ Trường Giang, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ III, nêu thực trạng người dân, DN lấn chiếm hành lang an toàn giao thông nhưng người đứng đầu chính quyền địa phương gần như “vô can”. “Trong tình huống này, nếu chỉ quy trách nhiệm của người đứng đầu ngành giao thông là không phù hợp. Tôi kiến nghị Cục trưởng có ý kiến với Bộ và các đơn vị liên quan về vấn đề này”, ông Giang nói.

Ông Giang cũng đề xuất, nên chăng đề nghị cơ quan chức năng thí điểm khởi tố một vụ việc vi phạm hành lang ATGT theo đúng quy định pháp luật để răn đe.

“Tại Khu III, có tới 16 đường mở không có giấy phép, đây hầu như DN lớn. Tôi kiến nghị, cần có chế tài xử lý người đứng đầu cấp giấy phép kinh doanh cho những DN này. Nếu không làm rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, anh em ở đây (các khu - PV) rất khó xử lý”, ông Giang nói.

Trước các kiến nghị này, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ cho rằng, các Khu quản lý đường bộ, các Sở GTVT phải phát hiện kịp thời các vi phạm hành lang ATGT.

“Tôi đề nghị các Khu, các Sở GTVT khi tuần tra phát hiện sai phạm phải cương quyết, có văn bản đề xuất với UBND tỉnh cưỡng chế giải toả. Thái độ xử lý rất cương quyết tránh tình trạng “làm chiếu lệ”, tránh hiện tượng “làm cho xong thủ tục, khép hồ sơ”. Đây là trách nhiệm của các Khu, Sở phải làm đúng, các nhà đầu tư BOT cũng phải làm tương tự…”, ông Cường nói.

Cục trưởng Cục Đường bộ cũng yêu cầu các Khu, Sở GTVT thống kê các vi phạm đấu nối vào hành lang ATGT trái phép, xem xét mức độ vi phạm của từng trường hợp. “Nếu vi phạm nghiêm trọng, cố tình ảnh hưởng đến mất ATGT, chúng ta có thể đề nghị với UBND tỉnh chuyển CQĐT, đưa ra pháp luật xử lý nghiêm minh”, ông Cường nói.

Đọc thêm