Tìm hiểu phong tục cưới hỏi cầu kì ngày xưa

(PLO) - Cổ nhân quan niệm rằng vợ chồng có hạnh phúc với nhau đến “đầu bạc răng long” hay không, có sinh sôi “con đàn cháu đống” hay không một phần chính là nhờ vào phong tục cưới hỏi được thực hiện đúng cách. Phong tục cưới hỏi ngày xưa rườm rà hơn thời nay rất nhiều
Một đám cưới xưa ở Huế
Một đám cưới xưa ở Huế
Cần nhớ rằng ngày xưa, việc dựng vợ, gả chồng cho con cái là việc của ông bà, cha mẹ. Có câu rằng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, phận làm con bắt buộc phải vâng lời. Những đám cưới diễn ra thường ít có sự tự nguyện của đôi trai gái, thậm chí họ có thể còn chưa hề gặp gỡ, không hề biết mặt mũi cũng như tính cách của nhau. 
Đa phần sự định đoạt duyên phận của đôi trẻ phụ thuộc vào mối quan hệ thân tình của hai bên ông bà, cha mẹ và thường được tiến hành từ rất sớm. Dân gian có câu “nữ thập tam, nam thập lục”, nghĩa là gái mười ba tuổi, trai mười sáu tuổi là đã có thể dựng vợ, gả chồng. 
Song song với sự xâm lược của phương Bắc suốt chiều dài lịch sử phong kiến, lễ cưới hỏi của người Việt lúc đầu hầu hết đều làm theo phong tục của Trung Hoa. Theo đó, việc cưới hỏi bắt buộc phải tuân theo 6 trình tự, gọi là “lục lễ”: 
1/ Lễ nạp thái: Là lễ mà nhà trai nhờ người mai mối đến nhà gái ướm hỏi rằng muốn kén chọn con gái nhà ấy làm vợ con trai nhà mình. 
2/ Lễ vấn danh: Vấn danh nghĩa là hỏi tên. Lễ theo đúng nghĩa của từ này khi nhà trai ướm hỏi rõ tên, tuổi của cô gái, ngoài việc biết rõ thân thế, giáo dục của cô gái thì cũng để nhà trai biết tuổi và ngày sinh để xem xung hay hợp với con trai nhà mình. 
3/ Lễ nạp cát: Lễ của nhà trai báo cho nhà gái đã xem tuổi xung, hợp, mọi chuyện tốt đẹp và muốn tiến hành hôn lễ. 
4/ Lễ nạp tệ: Nhà trai đem sính lễ tới nhà gái để làm lễ ở từ đường của nhà gái và cũng là lễ ra mắt của chàng rể tương lai. 
5/ Lễ thỉnh kỳ: Lễ của nhà trai xin nhà gái ấn định ngày rước dâu dựa theo việc xem ngày tháng tốt lành để người con gái xuất giá.
6/ Lễ thân nghinh: Chính là lễ cưới, rước dâu về nhà trai.
Thực hiện đủ “lục lễ” này, từ khi “nạp thái” cho đến “thân nghinh” có khi phải kéo dài vài ba tháng trời. Mà cổ nhân vẫn có câu “Cưới vợ phải cưới liền tay”, vì thế trên thực tế người Việt thường thu gọn vào làm 3 lễ: Lễ nạp thái, Lễ vấn danh và Lễ thân nghinh. Theo những ghi chép của cổ nhân, quy trình được thực hiện như sau: 
Lễ chạm ngõ (nạp thái): Sau khi đôi bên nhà trai, nhà gái đã thỏa thuận được việc cưới gả, người mối sẽ hẹn ngày với bên nhà gái để đưa người chủ hôn (cha mẹ) bên nhà trai và chú rể đem lễ vật, trầu cau đến nhà gái xin đính ước. Lễ này gọi là lễ chạm ngõ (có nhiều nơi còn gọi là dạm ngõ). Theo lệ xưa, lễ chạm ngõ có đưa một tờ hoa tiên ghi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con trai để nhà gái xem xét và chấp nhận cho việc đính hôn ấy. 
Lễ ăn hỏi (vấn danh): Là một lễ rất quan trọng, được tổ chức trọng thể bởi có tính chất là việc hợp thức hóa chuyện nhân duyên của đôi trai gái trước khi làm lễ cưới. Người mối đưa những người quan trọng của nhà trai, chú rể và một số họ hàng thân thuộc đem lễ vật như: cau, trầu, chè, mứt hay bánh đến nhà gái để nhà gái làm lễ bẩm báo với gia tiên. Sau đó, nhà gái đem các phẩm vật này ra chia phần cho các bạn hữu và họ hàng thân thuộc để thông báo là mình đã quyết định gả con gái rồi, không thay đổi gì nữa.
Lễ cưới (thân nghinh): Theo phong tục của cổ nhân, ngày rước dâu về nhà chồng, nhà trai thường hay đi đón dâu vào ban đêm và bắt buộc phải chọn được giờ hoàng đạo. Vào ngày đó, nhà trai nhờ một cụ già khỏe mạnh, tráng kiện, điều kiện là phải còn đủ vợ chồng song toàn, nhiều con cháu, thay mặt nhà trai đi đón dâu. Cụ già tay cầm nhang, theo sau là người dẫn lễ với đầy đủ lễ vật và kế đến là chú rể cùng với số người tùy tùng khác. 
Vào nhà cô dâu, chú rể phải làm lễ gia tiên rồi mới được rước vợ về. Theo phong tục, khi ra khỏi nhà cô dâu phải bước qua một bếp lò đang cháy, mục đích là để bỏ lại những vận đen đủi, đem may mắn đến gia đình nhà chồng.
Thường lễ cưới đến đây là kết thúc nhưng theo phong tục một số nơi, cô dâu, chú rể còn làm lễ tơ hồng. Đây là lễ tạ ơn ông tơ, bà nguyệt đã xe duyên phận họ lại với nhau khiến họ nên vợ, nên chồng và ăn đời ở kiếp bên nhau. Sau tiệc cưới là hợp cẩn. Lễ này dành riêng cho đôi tân hôn. Họ sẽ uống chung một ly rượu, sau đó người vợ đi trải chiếu rồi lạy chồng ba lạy, người chồng cũng xá lại vợ mình ba xá. 
Thời phong kiến, tục này để khẳng định rằng người chồng luôn là người có quyền quyết định cuộc sống sau này, người vợ hiền thảo sẽ luôn tuân theo sự sắp đặt của chồng. Tuy thế, người chồng cũng phải tôn trọng vợ, hai người luôn kính nhau như khách. Sau hôn lễ hai hoặc bốn ngày, vợ chồng dắt nhau về gia đình nhà vợ để làm lễ lại mặt, còn gọi là nhị hỷ hay tứ hỷ.