Tìm hướng đi cho hàng triệu tấn nông sản tới vụ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng triệu tấn nông sản ở 3 miền đã và sắp tới vụ thu hoạch đang là mối quan tâm cực lớn của chính quyền địa phương, lãnh đạo các Bộ, ngành. Tiêu thụ khối lượng này như thế nào trong điều kiện khó khăn dịch bệnh hiện nay là câu hỏi cấp bách, cần phải giải quyết vì đặc tính mùa vụ của nông sản.
Nông dân Bình Thuận thu hoạch thanh long. Ảnh Việt Quốc
Nông dân Bình Thuận thu hoạch thanh long. Ảnh Việt Quốc

Thị trường trong nước là quan trọng nhất!

Theo số liệu thống kê của các Tổ công tác tiền phương của các Bộ, ngành, lượng hàng hóa nông sản, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi cần được hỗ trợ tiêu thụ tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc lên tới gần 5 triệu tấn lúa; 3,7 triệu tấn rau, củ quả; hơn 4 triệu tấn các loại trái cây như: thanh long, sầu riêng, bơ, nhãn, xoài, bưởi, cà phê, dứa, ca cao…; khoảng 120.000 tấn hải sản; 80.000 tấn lợn hơi; 600.000 tấn thịt gà và khoảng 400 triệu quả trứng…

Trước khối lượng rất lớn này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, vào thời điểm này, phải xác định thị trường trong nước là quan trọng nhất. Các địa phương phải phối hợp với các tổ công tác tiền phương của 2 Bộ Công Thương và Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu (XNK), DN phân phối để được tư vấn, hỗ trợ và tổ chức tiêu thụ khẩn cấp.

Để tháo gỡ khó khăn trong khâu kết nối tiêu thụ, lãnh đạo các tỉnh Long An, Cà Mau, Đắk Lắk đề xuất, các tỉnh, thành phố cần có sự phối hợp, thống nhất các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhau.

Trước mắt, tỉnh Cà Mau đề nghị mỗi tỉnh cử ra một đầu mối để liên hệ, kết nối tiêu thụ sản phẩm, như: rà soát, xác định danh mục, sản lượng dự kiến các loại sản phẩm hàng hóa nông, lâm thủy sản cần bán, cần mua. Đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương.

Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc (TGĐ) Saigon Co.op cho biết, hiện nay, Saigon Co.op đang phối hợp chặt chẽ với Liên minh hợp tác xã tại các tỉnh, thành để hỗ trợ, phân phối các mặt hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi không tiêu thụ được do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Trước đó, đơn vị đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên để có nguồn cung cấp ổn định cho toàn hệ thống.

Đặc biệt, 2 bên đang phối hợp xây dựng sàn giao dịch nông sản, hỗ trợ liên kết trao đổi thông tin, tăng tiêu thụ nông sản, thủy sản của các địa phương trên nền tảng thương mại điện tử. Cùng với đó, đơn vị liên tục điều chỉnh chính sách thu mua, phù hợp với từng thời điểm, chia sẻ khó khăn với người nuôi trồng.

SaigonCo.op cam kết kết nối tiêu thụ, phân phối hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên ở mức cao nhất, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến tay người tiêu dùng cả nước, góp phần ổn định tình hình thị trường trong bối cảnh dịch COVID-19.

Tiếp tục mở rộng xuất khẩu

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, dù chú trọng tiêu thụ thị trường trong nước trong tình thế cấp bách này thì các thị trường xuất khẩu (XK) cũng đóng vai trò hỗ trợ tiêu thụ không nhỏ. Do đó, phải tiếp tục mở rộng XK sang các thị trường truyền thống và tìm kiếm các thị trường mới khu vực Châu Âu, Đông Nam Á.

“Các sản phẩm nông sản của chúng ta được các thị trường quốc tế ưa chuộng, nhất là thị trường Đông Nam Á. Với tinh thần không quá lệ thuộc vào một vài thị trường chủ yếu, tôi đề nghị cần chủ động đảm bảo chất lượng nông sản để có thể tăng giá trị XK” - Bộ trưởng Diên nói.

Ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty XNK Hà Lan cho biết, tại Châu Âu, nông sản Việt không chỉ cạnh tranh với nông sản Trung Quốc mà còn phải cạnh tranh với hàng hóa của nhiều nước trên thế giới. Do nông sản Việt vẫn đi bằng đường hàng không sang thị trường Châu Âu nên chịu chi phí cao, tỷ lệ úng hỏng nhiều do công nghệ chế biến còn sơ khai... giảm sức cạnh tranh đối với hàng nông sản Việt.

Do đó theo ông Hiển, cần đẩy mạnh công nghệ chế biến và tìm cách giảm chi phí logistics; Thay vì vận chuyển bằng đường hàng không cần chú trọng vận chuyển bằng đường biển, sẽ giúp chi phí logistics nhẹ gánh. Tuy nhiên, muốn vận chuyển bằng đường biển, cần phải có công nghệ sơ chế sản phẩm đảm bảo để nông sản chịu được điều kiện thời tiết trên biển trong thời gian khoảng vài tuần.

Ông Nguyễn Đình Tùng, TGĐ Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T thông tin, hiện nay nông sản, đặc biệt hoa quả đến vụ thu hoạch rất nhiều nhưng nhiều DN lo lắng không đủ sản phẩm để cung cấp theo các đơn hàng. Nguyên nhân chính là do vùng nguyên liệu đang bị phong tỏa, giãn cách. Thiếu hụt lực lượng lao động lớn. Hiện nay thời gian làm việc chỉ còn 6h-18h.

Trong khi đó, các sản phẩm trái cây không thể trữ quá lâu nên khi thu hoạch phải tiến hành chế biến ngay, công suất chế biến của Vina T&T hiện giảm mạnh, chỉ còn 30-40%. Ông Tùng kiến nghị, các địa phương cần cho đội ngũ thu hoạch làm việc sớm hơn 6h, vì hàng cây trái phải thu hoạch sớm thì hàng mới tươi, thu hoạch muộn hơn giờ đó trái cây sẽ hỏng, cho đội ngũ sản xuất về trễ hơn sau 18h, như vậy sản xuất sẽ được nhiều hơn phục vụ cho nhu cầu XK, góp một phần nhỏ trong việc tìm hướng ra cho nông sản tới vụ thu hoạch trong điều kiện đặc biệt này.

Đọc thêm