Tìm hướng ứng phó tình trạng sụt giảm du khách do nCoV

(PLVN) - Để ứng phó với dịch Corona, nhiều đơn vị lữ hành đang gấp rút xây dựng các gói sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách, nỗ lực tiếp thị sang các thị trường thay thế thị trường khách du lịch Trung Quốc.
Du lịch Quảng Ninh “đóng băng” do dịch nCoV

Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng trên 30% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Sự bùng phát của dịch bệnh do nCoV được dự đoán sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ đối với ngành du lịch Việt Nam trong ngắn và trung hạn, nhất là sự sụt giảm nặng nề lượng khách du lịch đến từ thị trường Trung Quốc. Theo các DN “đầu ngành”, ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV khiến các DN lữ hành lâm vào cảnh lao đao, thiệt hại nặng nề. 

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán 2020, Vietravel đã hủy khoảng 60 đoàn khách Trung Quốc sang Việt Nam (tương ứng 1.000 khách). Hiện DN này đã hủy tất cả tour từ Trung Quốc sang Việt Nam đến hết tháng 3, thậm chí lùi thời gian tới tận tháng 4, tháng 5.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Hanoi Redtours cũng cho biết, DN hiện đã hủy toàn bộ tour từ Trung Quốc sang Việt Nam và từ Việt Nam đi Trung Quốc, các thị trường khác bắt đầu từ ngày 15/2, nhiều đoàn cũng đã yêu cầu hủy tour.

Để tránh những tổn thất nặng nề hơn nữa do dịch virus nCoV và sự phụ thuộc vào thị trường khách du lịch Trung Quốc, hiện nhiều đơn vị lữ hành đang gấp rút xây dựng các gói sản phẩm phù hợp nhu cầu và tâm lý của du khách, nỗ lực tiếp thị sang các thị trường thay thế Trung Quốc. 

Tại Vietravel, DN này tập trung khai thác các thị trường mới đến từ các nước Trung Đông, Ấn Độ. Đối với tour đi nước ngoài, công ty sẽ kích cầu, phát triển thêm các tuyến Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ... Đối với thị trường nội địa, đẩy mạnh xây dựng, bổ sung các điểm đến có nắng ấm, an toàn cho du khách như miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ…

Theo một số DN lữ hành, sau khi đỉnh điểm dịch đi qua, để khôi phục và thúc đẩy du lịch nội địa cần lựa chọn điểm phù hợp nhất, xem xét lựa chọn các điểm đến mới, nơi không bị dịch hoặc không có khả năng tái phát dịch để thu hút khách nội địa phù hợp với điều kiện, năng lực, sở trường của từng công ty; Chuyển hướng đầu tư vào các tuyến du lịch nội địa mới, tập trung vào khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần, có kết nối đường bay thuận tiện đang có tốc độ tăng trưởng cao, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN; Tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng Ấn Độ.

Tăng cường thu hút khách du lịch từ Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada nhất là khi có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ. Đồng thời duy trì và mở rộng thị trường Tây Âu và Bắc Âu. Tăng cường thu hút khách du lịch từ Nga, các nước Đông Âu... Đẩy mạnh khai thác thị trường Australia và Newzealand.

Bên cạnh đó, thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa. Ngoài ra, Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch cũng sẽ đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép giảm thuế, giãn thuế, chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất vay đối với DN du lịch (lữ hành, lưu trú, vận chuyển…). 

Tổng cục Du lịch cũng đề nghị Chính phủ xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, cho phép triển khai cấp visa tại cửa khẩu... Xem xét giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ 1-2 tháng sau khi hết dịch để kích cầu du lịch sau khi dịch nCoV được kiểm soát.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, trước tình hình dịch bệnh, hiện nay, khách du lịch đến thành phố giảm 17%, khách lưu trú giảm đến 50-70%. Để ổn định tình hình, ngành du lịch thành phố đã chủ động triển khai đến Hiệp hội Du lịch, khách sạn và các công ty du lịch phương án phòng ngừa dịch bệnh và công tác đón, phục vụ khách Trung Quốc; thường xuyên cập nhật tình hình, phương án phòng bệnh đăng trên trang danangfantasticity.com và Cổng thông tin du lịch bằng các ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Anh.

Còn ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng cần sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông về những thông tin tích cực, vì hiện mạng xã hội có nhiều thông tin gây hoang mang, lo lắng cho du khách khi đi du lịch. Về phía các doanh nghiệp, cần phối hợp với nhau hạn chế thấp nhất mức thiệt hại do việc hủy chuyến, hủy phòng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tính đến các kế hoạch thực hiện những gói kích cầu, giảm giá ngay khi dịch kết thúc để bù đắp cho lượng khách hao hụt.

Đọc thêm