Liên tục trong nửa đầu tháng 5/2024, 3 đơn vị đóng tàu trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đó là Bạch Đằng, Nam Triệu và Phà Rừng đã lần lượt cho hạ thủy những con tàu lớn theo hợp đồng với các khách hàng trong, ngoài nước. Trong số này có tàu hàng rời 65.000 tấn do Công ty TNHH MTV Nam Triệu chế tạo - được đánh giá là con tàu có trọng tải lớn nhất từ trước tới nay được thực hiện bởi các kỹ sư, công nhân người Việt.
Trao đổi với PLVN về chuỗi các sự kiện nêu trên của ngành Công nghiệp tàu thủy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang khẳng định: “Đó là một nỗ lực rất lớn của các công ty con thuộc SBIC. Thực hiện thành công các đơn hàng lớn như thế không chỉ duy trì sự ổn định cho doanh nghiệp, việc làm cho người lao động mà còn gia tăng giá trị thương hiệu các nhà máy. Điều đó rất có lợi cho quá trình định giá, đánh giá doanh nghiệp và tiến hành thủ tục phá sản đối với Công ty mẹ - SBIC, các công ty con và thu hồi vốn, tài sản, quyền tài sản của Công ty mẹ... theo Nghị quyết số 220/NQ-CP ngày 22/12/2023 của Chính phủ”.
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang. |
Được biết, Bộ GTVT đã, đang làm việc với một số công ty con của SBIC - đối tượng phải thực hiện việc xử lý tài sản theo tinh thần nghị quyết trên và đã xác định việc phá sản trong trường hợp này là bán doanh nghiệp cho một chủ sở hữu mới, có thể là Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nhà đầu tư nước ngoài...
Chủ mới khi trúng đấu giá sẽ không phải gánh các khoản nợ cũ nên sẽ thuận lợi và chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp này.
Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long là 1 trong 7 công ty con của SBIC vừa tiến hành các thủ tục liên quan phá sản doanh nghiệp vừa duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến thời điểm này, Hạ Long đã ký được nhiều hợp đồng đóng tàu, đủ việc làm đến hết năm 2027.
Theo đó, với chủ trương thu hồi tối đa giá trị vốn, tài sản khi phá sản, Bộ GTVT định hướng việc bán các doanh nghiệp này theo hướng “trọn gói”, tức là bán giá trị cả nhà máy, cả dây chuyền chứ không tách bán từng tài sản đơn lẻ.
“Việc này cần bảo đảm đúng quy định tại Điều 16 của Luật Phá sản khi bán, thanh lý tài sản của doanh nghiệp”, Thứ trưởng Sang nói, đồng thời cho biết, đất đai của các doanh nghiệp đóng tàu sau khi bàn giao cho chủ mới phải tiếp tục dùng vào mục đích đóng và sửa chữa tàu, tuyệt đối không được chuyển đổi mục đích khác.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thông tin thêm, trong một cuộc làm việc mới đây giữa lãnh đạo Bộ này với Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, một nhà đầu tư của nước này đã bày tỏ sự quan tâm của họ đối với việc mở rộng quy mô đầu tư vào lĩnh vực đóng tàu ở Việt Nam. Ngoài ra, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cũng đang nắm thông tin về quá trình phá sản Công ty mẹ - SBIC và các công ty con để tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực đóng tàu...
“Sự quan tâm này là một tín hiệu rất tốt đối với quá trình xử lý doanh nghiệp và tìm kiếm đối tác, chủ mới tốt hơn. Chúng tôi đã chỉ đạo SBIC cung cấp kịp thời các thông tin liên quan cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm tới việc đấu giá các công ty đóng tàu”, lời Thứ trưởng Sang.
Được biết, hiện Công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tới tòa án cấp có thẩm quyền ở các tỉnh, thành: TP Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP HCM và Nam Định.
"Sau khi thực hiện xong thủ tục phá sản, chủ mới sẽ vào, hoạt động sản xuất kinh doanh chắc chắn sẽ tốt lên. Người lao động các nhà máy đóng tàu đừng quá lo lắng!", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang.