Trong những năm qua, sự chủ động tiếp cận các đối tượng được TGPL còn hạn chế nên nhiều người dân chưa biết hoặc khó tiếp cận đến TGPL; số lượng vụ án được TGPL còn hạn chế; đội ngũ cán bộ làm công tác TGPL còn mỏng; đội ngũ người thực hiện TGPL tại một số địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu TGPL của người dân… đã khiến cho công tác TGPL trong hoạt động tố tụng dân sự gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đánh giá trong những năm gần đây, sự tham gia bào chữa, bảo vệ của các trợ giúp viên, luật sư cộng tác viên pháp lý trong các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính đã góp phần giúp hội đồng xét xử có cách nhìn toàn diện, khách quan, từ đó đưa ra những phán quyết hợp tình, hợp lý, đúng người, đúng tội. Có những vụ, việc phức tạp kéo dài nhiều năm không giải quyết được, đặc biệt là những vụ hành chính, tranh chấp đất đai người dân tưởng chừng như bỏ cuộc nhưng khi được trợ giúp viên pháp lý tham gia trợ giúp thì vụ việc được giải quyết thành công.
Hiện nay, công tác TGPL đứng trước những yêu cầu cao hơn về chất lượng, tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, lấy lợi ích hợp pháp của người dân làm trọng tâm theo tinh thần Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Điều đó đòi hỏi cần phải có đầy đủ nguồn lực và chất lượng nguồn lực cũng như các kỹ năng cần thiết, như tham gia giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án đặc biệt là các quy định về khung pháp lý, phân loại tranh chấp đất đai và các kỹ năng giải quyết trong các giai đoạn khởi kiện, kỹ năng thu thập tài liệu, chứng cứ…
Trước yêu cầu đó, đòi hỏi các cấp, ngành có liên quan cần có những giải pháp bảo đảm thực hiện các quyền con người trong hoạt động tố tụng, như xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đặc biệt là pháp luật về tố tụng; tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, thúc đẩy và phát triển quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan hoạt động TGPL; hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, mỗi trợ giúp viên pháp lý cần thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng học hỏi nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý bảo đảm về chất lượng, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp; chú trọng và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng mềm, nhất là kỹ năng làm việc với các đối tượng đặc thù để ngày càng có nhiều người nghèo, đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội được hưởng lợi từ công tác TGPL.
Để tham gia vào các hoạt động điều tra có hiệu quả, bản thân trợ giúp viên cần phải nắm vững pháp luật, có kỹ năng để vào cuộc tự tin, vững vàng và góp phần đưa sự việc đi theo đúng hướng khách quan của vụ án. Có như vậy, vai trò, vị trí của đội ngũ trợ giúp viên sẽ được đề cao, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Qua đó góp phần nâng cao uy tín của Trung tâm TGPL, xây dựng được hình ảnh trợ giúp viên chuyên nghiệp.