Tìm lối đi riêng cho thương mại miền núi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Phát triển thương mại 2 chiều cho vùng núi, hải đảo và khu vực vùng sâu, vùng xa đã được Đảng, Chính phủ quan tâm trong suốt thời gian qua. Đến nay, rất nhiều sản phẩm của khu vực này đã có vị trí tại hệ thống phân phối hiện đại cũng như xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Nhiều sản phẩm từ miền núi đã có lượng tiêu thụ lớn ở siêu thị.
Nhiều sản phẩm từ miền núi đã có lượng tiêu thụ lớn ở siêu thị.

Phát triển sản phẩm hữu cơ để xuất khẩu

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, nói đến miền núi là nghĩ đến những khó khăn, đường sá, hạ tầng thông tin, hiểu biết công nghệ... Thế nhưng chắc hẳn nhiều người biết, miền núi có rất nhiều thế mạnh, có rất nhiều nguyên vật liệu quý báu, tạo ra những sản phẩm mà nhiều địa bàn thuận lợi khác không có được. Và độ phủ sóng của các mặt hàng này ở trong nước và ngoài nước cũng khá đáng kể.

“Theo tôi biết, hệ sinh thái của các sản phẩm miền núi giờ được gắn bó chặt chẽ với nhau hơn, được hỗ trợ tốt hơn. Bởi người dân ở đây không chỉ tận dụng các chương trình giúp đỡ của Chính phủ mà còn là tận dụng công nghệ số, sử dụng các cách thức quảng bá hoặc tận dụng những người khổng lồ như hệ thống phân phối lớn trong nước, kể cả hệ thống lớn trên thế giới… ví như bây giờ sản phẩm miền núi cũng bắt đầu xuất hiện trên Amazon chẳng hạn” - ông Thành nói.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho biết, Chính phủ có nhiều chương trình khuyến khích phát triển thương mại miền núi cũng như các chương trình hỗ trợ để tiêu thụ các sản phẩm là đặc sản của núi rừng. Hiện, các sản phẩm của miền núi cũng đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới.

“Chúng tôi đặc biệt khuyến khích các công ty đã có những sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Bởi, ở các thị trường này, đa phần muốn tìm kiếm những sản phẩm hữu cơ, organic. Trong khi những sản phẩm hữu cơ này thường nằm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” - bà Nga chia sẻ.

Có thể kể tên rất nhiều công ty đã thành công trong việc xuất khẩu sản phẩm này ra thị trường EU hay là các thị trường khó tính khác như Nhật Bản và Hoa Kỳ. Đó là những sản phẩm được chế biến có nguồn gốc lâm sản hay là nông sản. Ví dụ như, Công ty Dace có sản phẩm được sản xuất những gia vị từ gừng, tỏi, ớt được trồng ở những vùng bào dân tộc thiểu số tại Cao Bằng hay các tỉnh miền Trung khác như Quảng Ngãi để xuất ra thị trường nước ngoài, được nhận là sản phẩm organic.

Cũng có những sản phẩm mà thế giới cũng đang rất quan tâm về yếu tố bảo vệ môi trường, về kinh tế xanh như những sản phẩm của Vina Samex chế biến từ quế. Tất cả quy trình thực hiện sản phẩm này đều thực hiện ở các vùng sâu, vùng xa của Yên Bái, Lạng Sơn…

Đưa hàng hóa miền núi vào hệ thống phân phối hiện đại

Theo bà Lê Việt Nga, từ 2010 - 2020 Bộ Công Thương đã thực hiện rất nhiều hoạt động để thúc đẩy thương mại miền núi nói chung, tiêu thụ hàng hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Trong đó, phải kể đến Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với những hoạt động xúc tiến thương mại cho hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Ngoài ra, có cả những chương trình xã hội hóa kết hợp với các hệ thống phân phối lớn ở trong nước như Central Retail. Central Retail đã có một chương trình rất lớn, đưa những sản phẩm hàng hóa đạt chuẩn của đồng bào dân tộc miền núi vào hệ thống siêu thị, thậm chí xuất khẩu qua chính hệ thống của họ ở các nước khác. Hoặc hệ thống MM MegaMaket cũng đã có những vị trí hút khách để trưng bày các sản phẩm của miền núi…

“Chúng tôi thấy rằng vai trò của các hệ thống phân phối hiện đại là rất tốt, vì họ coi rằng việc tiêu thụ những hàng hóa của bà con dân tộc thiểu số và miền núi là một sự đóng góp cho cộng đồng, vì cộng đồng trong quá trình sản xuất kinh doanh của họ, đó là đạo đức nghề nghiệp của họ” - bà Nga nói. Hiện nhiều đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sa Pa, rượu sim Phú Quốc… đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Bộ Công Thương cũng đã đề xuất với Chính phủ để phê duyệt mô hình thí điểm về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bao gồm mô hình đưa được sản phẩm từ những vùng sâu, vùng xa nhất, khó khăn nhất vào hệ thống phân phối hiện đại nhất ở Việt Nam và mô hình về thương mại hai chiều. Trong đó, mô hình thương mại hai chiều vừa phục vụ việc tiêu thụ hàng hóa cho bà con vùng núi vừa đưa hàng hóa từ các khu vực khác tiêu thụ tại các vùng miền núi để bà con có thể dễ dàng tiếp cận được các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.

Đọc thêm