Tìm sự bình an tâm hồn nhờ nhạc cụ cổ truyền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giữa lòng TP Hồ Chí Minh hiện đại, phát triển, có những người trẻ lựa chọn tìm học các nhạc cụ cổ truyền, đắm chìm trong những giá trị đẹp đẽ của văn hóa, nghệ thuật dân tộc, để tìm cho mình những giây phút bình yên và hoài cổ.
Chương trình biểu diễn tốt nghiệp của các sinh viên Khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh.
Chương trình biểu diễn tốt nghiệp của các sinh viên Khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh.

Khi người trẻ say mê với nhạc cụ cổ truyền

Khi Nguyễn Thị Mỹ Anh, cô sinh viên mới tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh quyết định tham gia khóa học đàn tranh tại một lớp học ở Thủ Đức, nhiều bạn bè, người quen đã bày tỏ sự ngạc nhiên. Chung quanh Mỹ Anh có không ít bạn bè đăng kí học các bộ môn nghệ thuật, nhưng đa phần họ lựa chọn các bộ môn hiện đại như học đàn piano, guitar, luyện thanh, khiêu vũ, nhảy dancesport... Còn đàn tranh là một nhạc cụ cổ, tính ứng dụng không cao, không phổ biến trong đời sống, nên nhiều người thắc mắc Mỹ Anh đi học “để làm gì”.

Tuy nhiên, theo Mỹ Anh, đàn tranh cho cô rất nhiều điều hay ho khó gặp trong đời sống. “Tình cờ em xem một clip trên TikTok, thấy có một bạn nữ vừa mặc đồ cổ trang vừa đàn tranh, trông rất yêu kiều và xinh đẹp. Từ ấn tượng đầu tiên đó, em tìm nghe thêm những clip khác về đàn tranh trên mạng và càng nghe càng bị cuốn hút, mê mẩn lúc nào không hay. Thế rồi em quyết định đăng kí theo học đàn tranh. Đến nay, em đã học được hơn ba tháng, bắt đầu đàn được một bài đàn hoàn chỉnh. Khi âm thanh của tiếng đàn do tự tay mình cất lên, em thấy rất hạnh phúc. Em nghĩ, âm nhạc dân tộc mình thật tuyệt vời, tiếc rằng nhiều bạn trẻ như em vẫn chưa thấy được vẻ đẹp đó, vẫn chê đàn tranh và nhiều nhạc cụ dân tộc khác là “cũ kĩ”. Em mong các bạn hãy thử một lần tìm đến với các nhạc cụ dân tộc, sẽ thấy được sự gần gũi, yêu mến, dường như thứ âm nhạc ấy đã chảy trong tâm hồn mình từ lâu vậy”, Mỹ Anh chia sẻ.

Trong khi đó, Lê Anh Thái, 30 tuổi, nhân viên một công ty đầu tư tài chính lại chọn đi học một nhạc cụ dường như “khác xa” với nghề nghiệp và sở thích của mình: Đàn bầu. Cứ một tuần 2 buổi, thay vì đi chơi, nhậu nhẹt cùng bạn bè, Lê Anh Thái lại đến một trung tâm âm nhạc cổ truyền tại quận 6, TP Hồ Chí Minh để học đàn bầu. Theo Thái, lý do anh đến với đàn bầu là do bị stress trong công việc. Làm việc với những dự án, những con số quá nhiều khiến một thời gian dài Lê Anh Thái bị mất ngủ, khó thở, đầu óc mất tập trung. Nghe lời khuyên của một người chị lớn tuổi, anh Thái quyết định đi học nhạc cụ để tìm lại sự bình yên cho tâm hồn. Tuy nhiên, sau khi lướt qua rất nhiều nhạc cụ truyền thống, anh lại “phải lòng” đàn bầu. Theo anh Thái, tiếng đàn bầu buồn, da diết nhưng có cảm giác rất sâu lắng, chạm thẳng đến trái tim người nghe. Nghe tiếng đàn bầu cất lên anh như cảm thấy trái tim mình được xoa dịu, được nghỉ ngơi. Từ đó, Anh Thái bén duyên với đàn bầu và đã theo học được một năm càng học càng đam mê.

Có nhiều lý do để bạn trẻ lựa chọn theo học nhạc cụ dân tộc. Ngoài những lý do như thấy “hay hay”, thấy mới lạ, hoặc cân bằng tâm lý, thì một bộ phận bạn trẻ chọn nhạc cụ dân tộc bởi thực sự say mê. Có những bạn trẻ vì mê cải lương, tuồng, hát bội, ca cổ mà lựa chọn cả những nhạc cụ khá khó học, đòi hỏi sự nhẫn nại cao như đàn kiềm, đàn cò...

Điều đáng nói là những năm gần đây, ngày càng nhiều bạn trẻ đã kiên trì học nhạc cụ dân tộc, sau một thời gian đã biết chơi nhạc cụ một cách thành thạo, không chỉ thế còn lan tỏa tình yêu đối với nhạc cụ dân tộc, âm nhạc truyền thống đến với những người chung quanh.

Đáp ứng nhu cầu của các bạn trẻ, hiện tại TP Hồ Chí Minh có không ít lớp học nhạc cụ dân tộc do các giáo viên, giảng viên trường đại học hoặc giáo viên tự do tổ chức. Tại các quận trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng có không ít trung tâm dạy nhạc cụ dân tộc được đầu tư bài bản, có thể kể đến Trung tâm âm nhạc Nốt trầm ở Thủ Đức, Trung tâm Ngũ Cung ở quận Tân Phú, Trung tâm Thu nhạc có nhiều chi nhánh, Trung tâm Đô trưởng ở Bình Thạnh...

Đáng nói, những năm gần đây, đã có những trường đại học đẩy mạnh việc đào tạo âm nhạc dân tộc, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ, thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn, thi tài, tạo điều kiện để bạn trẻ có thêm động lực và cơ hội phát huy hết khả năng. Tại TP Hồ Chí Minh, trường chính quy có Nhạc viện TP Hồ Chí Minh có Khoa Âm nhạc truyền thống, tại trường còn có Câu lạc bộ Âm nhạc dân tộc hoạt động sôi nổi. Ngoài ra, Đại học FPT là đơn vị tiên phong đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy và được công nhận là bộ môn chính thức trong chương trình đào tạo...

Lan tỏa vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc

Tại TP Hồ Chí Minh, hiện nay có không ít gương mặt trẻ nổi bật trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, như Đinh Nhật Minh, người vừa nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP Hồ Chí Minh năm 2022. Nhật Minh là một tài năng về thổi sáo, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống về nghệ thuật (là con của cặp đôi nghệ sĩ Đinh Linh - Tuyết Mai và là cháu nội của nghệ sĩ sáo trúc Đinh Thìn).

Từ nhỏ, Minh đã được chọn sang Trung Quốc học 6 năm về nhạc, sau đó trở về Việt Nam theo học tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Bằng tài năng của mình, Nhật Minh liên tiếp đoạt Huy chương Vàng trong các kỳ liên hoan nhạc cụ âm nhạc dân tộc toàn quốc. Nhật Minh không chỉ đem tiếng sáo tỏa sáng trên các sân khấu âm nhạc dân tộc mà còn “làm mới” hình ảnh nhạc cụ dân tộc bằng việc tham gia biểu diễn các show nhạc điện tử của giới trẻ với phong cách hết sức hiện đại, nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của giới trẻ.

Còn có thể kể đến Đoàn Minh Tài, sinh viên Khoa Âm nhạc truyền thống của Nhạc viện thành phố. Vừa đi học, bạn trẻ này đã tham gia nhiều show diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng chuyên về dòng nhạc dân ca, dân tộc với ngón đàn bầu giàu cảm xúc. Không chỉ thế, Minh Tài và nhóm sáu bạn trẻ khác học cùng Nhạc viện thành phố với mình để thành lập ra nhóm Sài Gòn ơi. Nhóm nhạc chuyên chơi các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, sáo, bầu, nhị, tỳ bà... đi diễn khắp các show lớn nhỏ trong thành phố, phối hợp cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng để đưa âm nhạc dân tộc kết hợp với nhạc trẻ hiện đại.

Chia sẻ với báo chí, Minh Tài cho biết: “Thầy cô trong Nhạc viện rất ủng hộ chúng tôi có những phá cách để âm nhạc dân tộc mới mẻ, thu hút khán giả trẻ. Chỉ cần khán giả thích thì một ngày nào đó mình có thể mời họ đến những chương trình âm nhạc chuyên sâu hơn, thuần tiếng đàn dân tộc và lúc đó họ sẽ dần nhận ra vẻ đẹp rất riêng của âm nhạc dân tộc Việt Nam”.

Đinh Nhật Minh đem tiếng sáo kết hợp với tiết mục âm nhạc hiện đại chinh phục giới trẻ (Ảnh NVCC).

Đinh Nhật Minh đem tiếng sáo kết hợp với tiết mục âm nhạc hiện đại chinh phục giới trẻ (Ảnh NVCC).

Những năm gần đây, nhiều nghệ sĩ trẻ khác cũng đã nỗ lực “làm mới” hình ảnh của nhạc cụ dân tộc, đem âm thanh của ngũ cung đi vào âm nhạc hiện đại nhằm khiến âm nhạc dân tộc tiếp cận nhiều hơn với giới trẻ. Như Hoàng Thùy Linh với một loạt các MV hướng về nét đẹp văn hóa cổ truyền, dùng nhiều đến các tiếng đàn cổ, tiếng sáo để phối hợp với âm nhạc hiện đại. Điều này cũng có thể bắt gặp trong một vài MV của Đen Vâu hay các chương trình âm nhạc hiện đại cũng có không ít “mảnh đất” để các nghệ nhân nhạc cụ dân tộc trổ tài, tạo nên điểm mới lạ cho chương trình.

Chính nhờ những nỗ lực ấy, những năm qua, người trẻ bắt đầu quan tâm, chú ý nhiều đến nhạc cụ dân tộc, để rồi tìm hiểu, theo học, say mê. Tất nhiên, trên hành trình theo đuổi những âm thanh cổ xưa vốn không dễ dàng, ít thời thượng và đòi hỏi nhiều kiên trì, đã có không ít người bỏ cuộc. Nhưng dù thế nào, phong trào các bạn trẻ theo học nhạc cụ dân tộc trong những năm gần đây đã trở thành một dòng suối nhỏ mạnh mẽ, góp phần vào việc bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa cổ truyền của đất nước.

Học một nhạc cụ chính là một cách chữa lành hữu hiệu những vết thương của tâm hồn. Và những người trẻ, trong hành trình tìm kiếm sự xoa dịu, chữa lành, tìm lại bình yên giữa bộn bề cuộc sống, đã chọn cho mình những loại nhạc cụ giàu tinh thần dân tộc, nhằm biểu lộ lòng yêu nước, sự trân trọng đối với những di sản nghệ thuật của cha ông để lại.