'GỠ VƯỚNG' PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP VIỆT ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU

Tìm thị trường mới để gỡ khó cho xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Trong khi các thị trường truyền thống đang giảm cầu nghiêm trọng, việc tìm kiếm các thị trường mới, tận dụng các hiệp định thương mại đã ký kết được xem như một cánh cửa để gỡ khó cho xuất khẩu.
Dệt may, da giày tìm kiếm thêm thị trường mới.
Dệt may, da giày tìm kiếm thêm thị trường mới.

Hướng đến các thị trường ngách

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện nay, nhiều ngành hàng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu (XK) do tổng cầu trên thế giới giảm. Trong đó, có những ngành hàng trọng điểm XK của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ, máy móc, điện thoại và linh kiện… với thị trường XK chính là Mỹ, châu Âu (EU)... có mức giảm khá sâu so với cùng kỳ như: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2%, dệt may đạt 18,9 tỷ USD, giảm 15,1%, giày, dép đạt 11,7 tỷ USD, giảm 17,1%.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, tất cả những biến động của thị trường thế giới, đặc biệt những thị trường lớn đã "dội" vào dệt may. Dự báo, tổng cầu thế giới đối với hàng dệt may năm 2023 giảm 8 - 10%. Do đó, doanh nghiệp (DN) dệt may rất khó khăn, dự kiến khó khăn này kéo dài đến sang năm.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng cho biết, hiện đơn hàng từ thị trường Mỹ giảm tới 35%, EU giảm 13%. Mức độ thiếu đơn hàng của DN là 30 - 50% đối với những khách hàng truyền thống, đặc biệt đối với thị trường Mỹ và EU - 2 thị trường chiếm tới 70% kim ngạch XK của ngành. Để bù đắp thiếu hụt này, da giày Việt Nam cần tìm kiếm cơ hội ở các thị trường khác.

Khó khăn của các thị trường truyền thống còn đến từ các quy định mới liên quan đến phát triển bền vững. Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, thị trường EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải carbon, quyền sửa chữa và tái chế… với hàng hoá vào thị trường này.

Ví dụ, trước mắt, ngay sau năm 2023, EU sẽ đánh thuế với các sản phẩm tạo ra nhiều carbon trong sản xuất. Việc này sẽ tác động mạnh đến mặt hàng da giày vì khâu da giày là từ điện sẽ bị áp dụng thuế carbon gián tiếp. Do đó, các DN da giày EU đang vận động DN sản xuất da giày Việt Nam có cơ chế chuyển đổi năng lượng (như lắp tấm điện mặt trời tại các nhà xưởng).

Ông Đỗ Mạnh Quyền - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) cho rằng, để phát triển thị trường, ngoài tìm các kênh phân phối lớn, DN cần tìm đến các thị trường ngách. Bởi các nhà phân phối lớn có trở ngại là khi giảm các nhu cầu thì họ sẽ ngắt kết nối khiến cho hoạt động XK của DN bị đứt gãy. Đặc biệt, khi xúc tiến thương mại nên tìm đến các DN, người địa phương, ký kết hợp đồng tư vấn để tìm được thị trường ngách, giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ.

Tận dụng các thị trường tiềm năng

Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại tại Canada cho rằng, CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) thực sự có tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK của các nhóm hàng dệt may, da giày - túi xách và đồ gỗ sau 5 năm. Trong đó, da giày tăng 72%, túi xách tăng 80%, dệt may tăng 103%, nội thất tăng 87%. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai CPTPP, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan của hàng XK Việt Nam sang Canada vẫn rất thấp, mới đạt 18%.

Ví dụ, với mặt hàng da giày, có tới 230 triệu USD kim ngạch XK đang chịu thuế 5 - 20%, trong khi đáng lẽ được hưởng thuế bằng 0. Tương tự, với mặt hàng dệt may, một số sản phẩm chỉ có khoảng gần 20%, thậm chí có loại chỉ 9% là sử dụng ưu đãi trong CPTPP. Do đó, DN cần tận dụng những ưu đãi sẵn có, tận dụng những thị trường còn nhiều tiềm năng khai thác để đưa những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam vào.

Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, Brazil là thị trường có nhu cầu lớn (mỗi năm nhập khẩu hơn 236 tỷ USD hàng hóa), tương đối dễ tính, không quá khắt khe và thị hiếu người dân rất đa dạng. Hiện Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ. Tuy nhiên, XK của Việt Nam sang thị trường này chỉ chiếm 1,4 % nhu cầu nhập khẩu của Brazil. Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như da giày, quần áo chỉ đáp ứng khoảng 6 - 7% nhu cầu tiêu thụ của Brazil.

Bên cạnh đó, trở ngại lớn nhất sang thị trường này là chi phí logisitics. Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Brazil đề xuất Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phát triển mảng logistics, nâng cao năng lực logistics Việt Nam, giúp DN thuận lợi trong XK, vì vấn đề này ảnh hưởng cạnh tranh trực tiếp đến giá cả và thời gian giao nhận hàng với các đối thủ XK từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cần đề xuất Chính phủ có chủ trương mở đường bay kết nối với Sao Paulo, Brazil, vì đây là cửa ngõ giao dịch lớn nhất của khu vực Nam Mỹ.

Đọc thêm