Tín dụng chính sách đã và đang chảy đều đặn, nảy mầm và sinh sôi trên quê hương Anh hùng Núp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Huyện vùng sâu Kbang, tỉnh Gia Lai là quê hương Anh hùng Núp, vùng đất cách mạng được khắc họa trong tác phẩm “Đất nước đứng lên” đã và đang dồn sức xây dựng cuộc sống mới; trong đó, chính sách tín dụng cho hộ dân tộc thiểu số và hộ nghèo sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của Ngân hàng được những người làm tín dụng chính sách tận tâm đưa tới, bắc nhịp cầu phát triển kinh tế bền vững cho người nghèo và các đối tượng chính sách, làm đổi thay căn bản cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Chị Trần Thị Bích, làng Kdâu, xã Kông Lơng Khơng trồng dứa tăng thu nhập nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Chị Trần Thị Bích, làng Kdâu, xã Kông Lơng Khơng trồng dứa tăng thu nhập nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Bà Đinh Thị Thu Hiền, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Kbang cho biết, Kbang là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa có 17.985 hộ với 71.307 nhân khẩu, trong đó gần 48% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Bahnar; tỷ lệ hộ nghèo trên 14 %, hộ cận nghèo 16,71%. Điểm nổi bật trong 20 năm thực hiện Nghị định số 78/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ “Về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác” và gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” ở huyện Kbang là được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị; cấp ủy, chính quyền địa phương đồng nhất quan điểm về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no, bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào DTTS và miền núi.

Tại huyện Kbang, Chủ tịch UBND xã, thị trấn là thành viên Ban đại diện Hội đồng Quản trị (HĐQT) NHCSXH huyện nên đã chủ động, quyết liệt trong việc quản lý vốn tín dụng tại cơ sở, bảo đảm vốn tín dụng chính sách cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Trong 20 năm qua, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Kbang tham mưu UBND huyện chuyển 10.014 triệu đồng nguồn vốn địa phương huyện ủy thác sang NHCSXH để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; thực hiện 1.330 lượt kiểm tra, giám sát các xã, thị trấn; đối chiếu dư nợ trực tiếp 9.150 hộ vay vốn thuộc các chương trình, dự án khác nhau, giám sát hoạt động tại 14 điểm giao dịch tại xã và 1.550 lượt Tổ Tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV).

Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội của huyện là 460 tỷ đồng với 7.202 hộ vay, 177 tổ TK&VV; chiếm 99,91%/tổng dư nợ toàn huyện. Hoạt động của điểm giao dịch xã đã tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại giao dịch của người vay, bảo đảm dân chủ, công khai với cách thức:“Giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”. Phòng giao dịch NHCSXH huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt truyên truyền về các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, các cơ chế chính sách về tín dụng ưu đãi của Chính phủ được minh bạch, công khai, được các tầng lớp nhân dân nắm bắt, hiểu rõ, thực hiện và giám sát.

Thông qua 17 chương trình tín dụng ưu đãi, 20 năm qua, NHCSXH huyện Kbang đã thực hiện giải ngân số tiền 1.325.226 triệu đồng, cho 59.842 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mới, giải quyết các nhu cầu thiết yếu về nhà ở, chi phí học tập, nước sinh hoạt, điện thắp sáng... Tổng doanh số thu nợ trong giai đoạn đạt 940.603 triệu đồng. Hiện nay, tỷ lệ thu nợ đến hạn hằng tháng bình quân đạt 98%, vượt kế hoạch so với chỉ tiêu tín dụng được giao. Tổng dư nợ đạt 382.951 triệu đồng, tăng 375.061 triệu đồng so với năm 2003, tỷ lệ tăng trưởng đạt 4.753,7%, nâng mức dư nợ bình quân từ 4,87 triệu đồng/hộ (năm 2003) lên 52 triệu đồng/hộ (năm 2022), có 7.210 hộ vay vốn, với 9.541 khế ước. Trong đó, dư nợ vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số 179.982 triệu đồng, với 3.920 hộ còn nợ, chiếm 47%/ tổng dư nợ.

Nguồn vốn cho vay đã đến được với tất cả hộ nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, được sử dụng đầu tư vào phát triển sản xuất như: trồng và chăm sóc mía, cây cà phê, trồng cây keo lai, bạch đàn, chăn nuôi trâu bò sinh sản, nuôi dê, bò lấy thịt… Kết quả 20 năm thực hiện chương trình cho vay hộ nghèo, đã giúp 8.976 hộ thoát nghèo, 5.864 hộ nghèo cải thiện đời sống, 6.864 hộ đã chuyển biến nhận thức làm ăn, tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện ổn định đời sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống, sinh hoạt.

Cán bộ NHCS huyện Kbang kiểm tra hiệu quả vốn tín dụng đầu tư trồng sầu riêng.

Cán bộ NHCS huyện Kbang kiểm tra hiệu quả vốn tín dụng đầu tư trồng sầu riêng.

Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, ông Hồ Xuân Dương, Chủ tịch UBND xã Lơ Ku cho biết, năm 2017, toàn xã có đến 191 hộ nghèo, chiếm 25% nhưng đến nay chỉ còn trên 30 hộ, chiếm 5%. Kết quả này là nhờ tập trung triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, trong đó có nguồn vốn tín dụng chính sách. Điển hình như các mô hình: trồng bắp biến đổi gen cho 71 hộ dân làng Chợt và Đak Kjông; trồng đậu cô ve tại làng Chợt, làng Bôn; nuôi bò, dê sinh sản cho 29 hộ nghèo tại các làng, cánh đồng mía lớn có 129 hộ tham gia, bình quân mỗi năm có khoảng 50 hộ trong xã thoát nghèo. Tương tự, việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ nghèo, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như: Krong, Đak Rong, Sơn Lang, Lơ Ku... đã mang lại kết quả thiết thực. Ông Nguyễn Tiến Ninh, Chủ tịch UBND xã Krong khẳng định: “Nhờ sự hỗ trợ này, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 7,%.

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kbang luôn được sự quan tâm và tạo điều kiện của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò chỉ đạo trực tiếp của Ban đại diện HĐQT đã hỗ trợ tích cực cho Phòng giao dịch NHCSXH huyện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị hằng năm. Đơn vị xây dựng được đội ngũ cán bộ chất lượng với tinh thần trách nhiệm cao, đạo đức nghề nghiệp tốt, có phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát dân, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

Có thể khẳng định, chính sách tín dụng cho hộ dân tộc thiểu số và hộ nghèo sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã giúp người nghèo và đối tượng chính sách ở Kbang thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giảm nghèo bền vững, hướng tới làm giàu, hạn chế nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Đồng vốn nhân văn của Chính phủ đã bắc nhịp cầu phát triển kinh tế không chỉ cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên vùng cao Kbang mà hơn cả là vì sự phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; dòng vốn tín dụng chính sách đã và đang chảy đều đặn, thấm sâu trong lòng đất, nảy mầm, sinh sôi trên quê hương Anh hùng Núp.

Đọc thêm