Tín dụng chính sách - lực đẩy giúp Quảng Bình vươn mình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giữa những ngày tháng Tư lịch sử năm 2025, trong guồng quay bận rộn giải ngân tín dụng chính sách khắp các vùng miền, ông Trần Văn Tài - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình vẫn dành thời gian cùng đoàn công tác từ Hà Nội ngược núi, xuôi biển đến những thôn xã khó khăn nhất của tỉnh.
Cán bộ tín dụng chính sách các huyện ở Quảng Bình thường xuyên bám sát cơ sở , tận tình hướng dẫn hộ nghèo vay vốn , sử dụng vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Cán bộ tín dụng chính sách các huyện ở Quảng Bình thường xuyên bám sát cơ sở , tận tình hướng dẫn hộ nghèo vay vốn , sử dụng vốn phát triển sản xuất kinh doanh.

Dòng vốn về bản nghèo

Lên Minh Hóa lần này, tôi chợt nhớ con đường cách đây gần 20 năm mình từng qua. Khi ấy, cả vùng đất rộng khoảng 1.400 km² chỉ vỏn vẹn 20 cây số đường rải đá gập ghềnh, còn lại toàn đường đất ngập bùn. Không chỉ đường sá, cuộc sống của 50 nghìn người dân Kinh, Bana, Vân Kiều, Chứt… khi ấy cũng vô cùng khó khăn, đói nghèo, ruộng đất ít ỏi, dẫn tới tình trạng phá rừng làm rẫy mưu sinh.

Khẩn trương giải ngân tại các Điểm giao dịch xã của NHCSXH tỉnh Quảng Bình tháng 4/2025.

Khẩn trương giải ngân tại các Điểm giao dịch xã của NHCSXH tỉnh Quảng Bình tháng 4/2025.

Trước thực trạng đó, lãnh đạo các cấp đã rất trăn trở tìm hướng thoát nghèo cho Minh Hóa. Với hàng loạt chương trình như 134, 135, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, cùng nguồn vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển tải, vùng đất này dần có cơ hội đổi thay. Nhờ đó, người dân Minh Hóa phấn khởi xuống đồng ruộng, lên đồi rừng, chủ động tìm kế sinh nhai, từng bước cải thiện cuộc sống.

Điển hình như ở bản Dộ - Tà Vờng (xã Trọng Hóa), nơi chủ yếu có người Bru - Vân Kiều, người Khua và người Mày sinh sống. Trước đây, bà con phụ thuộc hoàn toàn vào các khoản trợ cấp, hỗ trợ của Nhà nước như gạo, cây giống, con giống... Nhưng gần đây, nhiều hộ đã thay đổi nhận thức, mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển chăn nuôi và trồng keo lai, tràm, giúp đời sống ổn định hơn.

Xác định rõ vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp, ổn định và thời gian vay dài, chính quyền và cấp ủy xã Trọng Hóa đã tích cực triển khai. Ban Chỉ đạo giảm nghèo địa phương đã giao Hội Nông dân quản lý, thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn làm cầu nối đưa vốn tới bà con dân tộc có nhu cầu thực sự và kế hoạch vay vốn rõ ràng.

Nguồn vốn được phân bổ thông qua các cuộc họp bình xét công khai, dân chủ tại cộng đồng để lựa chọn hộ vay đúng đối tượng. Hiện toàn bản Dộ - Tà Vờng có 40 trong tổng số 86 hộ dân (chiếm 46,5%) đang vay vốn với tổng dư nợ 1,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, người dân sử dụng vốn hiệu quả, luôn chấp hành nghiêm việc trả nợ, trả lãi đúng hạn, không xảy ra tình trạng nợ quá hạn.

Nhờ nguồn vốn tín dụng, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nhờ nguồn vốn tín dụng, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Tiêu biểu như hộ ông Hồ Khiên vay 150 triệu đồng để chăn nuôi bò, trồng keo lai, mỗi năm thu về từ 25-30 triệu đồng. Hay như hộ ông Hồ Khâm vay 80 triệu đồng từ chương trình cho hộ cận nghèo cũng đã tạo công ăn việc làm cho 3 lao động trong nhà, ổn định kinh tế và tích lũy đáng kể.

Rời Minh Hóa, chúng tôi về vùng biển Quảng Bình, nơi có 4 xã đặc biệt khó khăn: Phù Hóa, Liên Trạch, Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy. Tại xã Phù Hóa, hàng chục tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi đã giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,74%, hộ cận nghèo xuống 4,42%.

Nguồn vốn của NHCSXH huyện Quảng Trạch còn làm “bệ đỡ” hỗ trợ bà con đa dạng hóa sinh kế, triển khai mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản, nuôi gà Lai ri, có giá trị hàng trăm triệu đồng.

Còn tại xã đặc biệt khó khăn Liên Trạch, huyện Bố Trạch, nơi thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bão lũ, để giảm nghèo đa chiều, bền vững, xã tập trung vào việc trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng. Đây là sinh kế vững chắc, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ.

Đặc biệt tại xã này hiện có khoảng 400 lao động đang làm việc ở nước ngoài, đem lại nguồn thu nhập cao cho mỗi gia đình. Mỗi năm xã có 30-40 lao động tham gia sử dụng vốn vay tín dụng chính sách đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…

Cú hích giảm nghèo bền vững

Có thể khẳng định, nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã trở thành động lực lớn cho người dân Quảng Bình từ miền núi đến vùng biển vươn lên thoát nghèo. Từ cuối năm 2019 đến tháng 3/2025, nguồn vốn này đã giúp hơn 9.237 lượt hộ nghèo, 12.975 lượt hộ cận nghèo, 18.659 lượt hộ mới thoát nghèo đầu tư sản xuất; tạo việc làm cho trên 37.000 lao động; hỗ trợ 2.900 lượt học sinh, sinh viên vay học tập; 72 lao động thuộc diện chính sách đi xuất khẩu lao động; xây dựng 141.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, 2.400 căn nhà cho hộ nghèo, 263 người hoàn lương vay vốn tái hòa nhập cộng đồng. Nhờ đó, hơn 13.600 hộ vay đã thoát nghèo và cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 6,98% năm 2019 xuống còn 3,13% năm 2024.

Ông Trần Văn Tài - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình phát biểu tại Hội nghị thi đua.

Ông Trần Văn Tài - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình phát biểu tại Hội nghị thi đua.

Ông Trần Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định, kết quả này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó NHCSXH đã góp phần quan trọng, rất hiệu quả.

Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình, ông Trần Văn Tài cho biết, từ khi thành lập năm 2003, ngân hàng luôn tập trung nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước vào một đầu mối, chủ động phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương để huy động và chuyển tải vốn đến đúng đối tượng. Qua 22 năm hoạt động, nguồn vốn của NHCSXH Quảng Bình đã tăng từ 200 tỷ đồng lên gần 5.769 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương ủy thác gần 295 tỷ đồng.

Chỉ trong 5 năm qua, NHCSXH tỉnh đã cho vay 8.419 tỷ đồng, phục vụ 162 nghìn lượt khách hàng thông qua 21 chương trình tín dụng. Đặc biệt, ngân hàng đã xây dựng mô hình quản lý tín dụng đặc thù, hiệu quả theo mô hình liên kết chặt chẽ “Ngân hàng - chính quyền - đoàn thể - Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV)”. Các tổ chức hội, đoàn thể hiện đang quản lý tới 99,9% tổng dư nợ chính sách.

Đội ngũ cán bộ ngân hàng thường xuyên sâu sát cơ sở, thực hiện phương châm “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”, góp phần chuyển vốn nhanh, hiệu quả đến từng hộ dân nghèo, vùng sâu, vùng xa. Lãnh đạo NHCSXH tỉnh và các huyện nhiều lần trực tiếp về vùng khó khăn để chỉ đạo, giám sát việc thực hiện tín dụng.

Hội nghị biểu dương người lao động giỏi và sáng tạo của NHCSXH Quảng Bình.

Hội nghị biểu dương người lao động giỏi và sáng tạo của NHCSXH Quảng Bình.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã đáp ứng 100% nhu cầu vay vốn đủ điều kiện của hộ nghèo và đối tượng chính sách. Đặc biệt, năm 2025, đơn vị hỗ trợ 95 triệu đồng để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 9 hộ nghèo tại 8 huyện, thị, thành phố.

Thời gian tới, NHCSXH Quảng Bình tiếp tục huy động hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, tuyên truyền sâu rộng chủ trương tín dụng chính sách, góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị 39 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách, khẳng định vai trò trụ cột trong công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Đọc thêm