Tín dụng chính sách tiếp sức vùng đất cuối trời Tây Nam

(PLVN) -  Không chỉ là nguồn vốn ưu đãi, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành động lực mạnh mẽ giúp vùng đất tận cùng phía Tây Nam, tỉnh Kiên Giang từng bước chuyển mình. Trong 5 năm qua, hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế ở vùng biên giới, hải đảo đã được tiếp cận nguồn vốn vay để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, xây dựng nông thôn mới.
Cán bộ NHCSXH tỉnh Kiên Giang thăm mô hình nuôi cá lồng bè của hộ dân được vay vốn tín dụng chính sách.

Tại Hội nghị biểu dương “người lao động giỏi, lao động sáng tạo giai đoạn 2020-2025”, ông Đoàn Công Thiệt, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Kiên Giang khẳng định, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40) đã phát huy hiệu lực rõ nét, tín dụng chính sách xã hội đã mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc vùng đất tận cùng phía tây nam của Tổ quốc.

Ông Đoàn Công Thiệt - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Kiên Giang phát biểu.

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến ba tháng đầu năm 2025, với những giải pháp đồng bộ, đúng đắn và sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã có chuyển biến tích cực, rõ rệt. Cùng đó, sự nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân về ý nghĩa và vai trò tín dụng chính sách xã hội; chính quyền tỉnh và cấp huyện đã tập trung ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh, đến nay đạt 640 tỷ đồng.

Đến ngày 31/3/2025, chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang thực hiện 22 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ và địa phương được đồng bộ, thông suốt đến tất cả các làng quê trên biên thùy, ngoài hải đảo với tổng dư nợ đạt 6.453 tỷ đồng.

Dòng chảy tín dụng chính sách xã hội giữa vùng đất tận cùng phía tây nam trong 5 năm qua đã giúp hơn 207 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần tích cực trong thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang về giảm nghèo hàng năm và xây dựng nông thôn mới. Cụ thể tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều toàn tỉnh còn 0,99%, giảm 1,7% so với năm 2020; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Động lực thay đổi diện mạo vùng đất tận cùng phía Tây nam

Tín dụng chính sách không chỉ là “bà đỡ” giúp hàng nghìn hộ dân vùng đất tận cùng phía tây nam của Tổ quốc thoát nghèo mà còn là động lực kiến tạo cuộc sống ổn định, bền vững cho cả cộng đồng. Những chương trình cho vay từ NHCSXH đã mở cánh cửa tri thức, xây nhà ở khang trang, cải thiện môi trường, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa từ trên biên ải đến ngoài hải đảo.

Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Kiên Giang trao phần thưởng cho các điển hình.

Câu chuyện của gia đình bà Nguyễn Thị Mảnh, ngụ tại ấp Đập Đá, xã Tân Hội, là một minh chứng. Cách đây không lâu, gia cảnh của bà rất khó khăn, không có đất cấy lúa trồng mỳ, thiếu thốn tiền vốn nuôi con heo, con bò. Nhờ khoản vay từ NHCSXH huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) bà đã cho cả 2 người con là Nguyễn Thị Kim Hân và Nguyễn Thị Kim Hảo đi lao động tại Nhật Bản, để có thu nhập bình quân mỗi cháu trên 25 triệu đồng/tháng và đã gửi tiền đều đặn về giúp gia đình xây dựng lại nhà ở kiên cố và trả nợ gốc lẫn lãi đúng kỳ hạn. “Tín dụng chính sách không chỉ hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, mà còn trao cả tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ tuổi vùng nông thôn hẻo lánh”, Bà Mảnh tâm sự.

Tương tự, bà Thị Hường, ấp Tràm Trỗi xã Vĩnh Điều đã sử dụng 80 triệu đồng vốn vay ưu đãi dành cho hộ đồng bào Khmer nghèo để chăn nuôi bò sinh sản. Bằng sự chịu khó, siêng năng lao động của mọi người trong gia đình, đàn bò được chăm sóc chu đáo, béo khỏe tăng lên theo năm tháng. Gần đây, bà còn được tiếp cận vốn vay hỗ trợ nhà ở từ NHCSXH huyện biên giới Giang Thành, cộng với số tiền lời từ chăn nuôi, trồng trọt nên đã xây được ngôi nhà mới 3 gian khang trang, thoáng đãng.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Tại tỉnh Kiên Giang, công tác tín dụng chính sách đã được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp, sự quan tâm hỗ trợ thiết thực của các ban ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng nhiệt tình của tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điển hình là kết quả 10 năm triển thực hiện Chỉ thị 40/CT/TW và kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư; nguồn lực được tập trung vào tín dụng chính sách xã hội, gắn liền với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới. Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã khẳng định tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh thời gian qua.

Điểm giao dịch xã tháng 3 của NHCSXH Kiên Giang.

Các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH xây dựng được mạng lưới hơn 3.200 tổ Tiết kiệm và vay vốn làm cầu nối vững chắc triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến người dân.

Tín dụng chính sách tại Kiên Giang còn là câu chuyện của đội ngũ cán bộ tín dụng luôn bền bỉ, tận tâm, sáng tạo trong việc huy động nguồn vốn, thực hiện phương châm “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”, tăng cường biện pháp phòng ngừa rủi ro bởi tác động thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả,… giúp người vay vốn thuận lợi, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.

Vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã được lãnh đạo và nhân dân tỉnh Kiên Giang ghi nhận và đánh giá cao, đây chính là công cụ hữu hiệu trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của đại phương; đồng thời, tập thể cán bộ, người lao động chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liền (2022, 2023, 2024), được Tổng Giám đốc NHCSXH tặng cờ thi đua đơn vị đạt danh hiệu “xuất sắc nhiệm vụ khu vực XI”.

Cán bộ NHCSXH tới thăm mô hình trồng rau của hộ vay vốn.

Phát huy những kết quả đã đạt được, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Kiên Giang đang tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Theo đó, chi nhánh tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng của Chính phủ và địa phương; đồng thời từng bước hoàn thiện bộ máy quản lý, đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, người lao động, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế.

Với phương châm hành động rõ ràng, NHCSXH tỉnh Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, khẳng định vai trò là điểm sáng, là trụ cột trong hệ thống chính sách giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. “Đó là phương châm hành động của tập thể cán bộ, người lao động NHCSXH tỉnh Kiên Giang nhằm góp phần giúp vùng đất tận cùng phía tây nam vươn mình phát triển bền vững”, ông Đoàn Công Thiệt - Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh.

Đọc thêm