Đồng Nai tháo gỡ nút thắt vật liệu xây dựng, ưu tiên cho các dự án trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đồng Nai tập trung tháo gỡ thủ tục pháp lý, nâng công suất khai thác và phân bổ hợp lý nguồn vật liệu xây dựng nhằm đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Vành đai 3 TP.HCM.
Đồng Nai tháo gỡ nút thắt vật liệu xây dựng, ưu tiên cho các dự án trọng điểm

Tháo gỡ pháp lý, khai thông nguồn cung vật liệu xây dựng

Trong bối cảnh hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đồng loạt được triển khai tại khu vực phía Nam, đặc biệt là tại tỉnh Đồng Nai, nhu cầu về vật liệu xây dựng như đá, cát, đất san lấp... đang tăng đột biến. Điều này đặt ra bài toán cấp bách cho địa phương trong việc đảm bảo nguồn cung ổn định, đầy đủ và đúng tiến độ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu tại buổi làm việc

Ngày 3/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên làm trưởng đoàn công tác Trung ương làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị cho phép triển khai đồng thời các thủ tục hành chính và hoạt động khai thác để rút ngắn thời gian chuẩn bị, giảm tình trạng “ngồi chờ giấy phép” như hiện nay. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà, tỉnh đã thành lập hai tổ công tác liên ngành để tập trung tháo gỡ những vướng mắc về hồ sơ pháp lý và điều phối nguồn vật liệu đến các dự án đúng nhu cầu và tiến độ.

Ngoài các mỏ đang khai thác, tỉnh cũng đang tiến hành rà soát quy hoạch khoáng sản để xem xét mở rộng hoặc bổ sung thêm các khu vực có tiềm năng, trong đó ưu tiên các mỏ gần khu vực dự án để giảm chi phí logistics và áp lực vận tải.

Ưu tiên công trình trọng điểm, kiểm soát chặt công suất và giá cả

Hiện nay, tổng công suất khai thác đá xây dựng tại Đồng Nai đạt hơn 20 triệu m³/năm. Tuy nhiên, do vướng mắc thủ tục đất đai, môi trường và điều chỉnh quy hoạch, một phần lớn năng lực này vẫn chưa được khai thác tối đa. Nếu các thủ tục được giải quyết đồng bộ, các mỏ có thể đạt công suất 9,6 triệu m³ trong năm 2025 – đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu cho các dự án lớn, vốn chỉ vào khoảng 7 triệu m³/năm.

UBND tỉnh đã chủ động phân bổ sản lượng khai thác cho các nhà thầu đang triển khai công trình trọng điểm, đồng thời cam kết điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế. 4 giấy phép khai thác đá cũng đã được gia hạn kịp thời, giúp tăng thêm năng lực khai thác cho thị trường trong nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà phát biểu tại buổi làm việc

Bên cạnh đá xây dựng, đất san lấp cũng là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Đến nay, tỉnh đã cấp phép khai thác cho 6/7 hồ sơ đất đắp phục vụ hai tuyến giao thông huyết mạch là cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Đồng Nai, với tổng khối lượng gần 4,4 triệu m³. Sau khi hoàn tất các thủ tục khai thác tại khu vực Tân Cang, dự kiến bổ sung thêm khoảng 1 triệu m³ đất, nâng tổng khối lượng vượt khoảng 200.000 m³ so với nhu cầu thực tế.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết, Chính phủ sẽ sớm trình đề xuất bổ sung Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào danh mục áp dụng cơ chế đặc thù. Điều này sẽ tạo hành lang pháp lý cho phép các mỏ đá cung cấp vật liệu cho dự án được nâng công suất khai thác thêm 50% mà không phải làm lại toàn bộ thủ tục từ đầu – một bước đi quan trọng để rút ngắn thời gian cung ứng vật liệu và thúc đẩy tiến độ thi công.

Khai thác đá xây dựng tại cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân

Khai thác đá xây dựng tại cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân

Tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm soát giá vật liệu xây dựng, tránh tình trạng tăng giá ảo do đầu cơ hoặc mất cân đối cung, cầu cục bộ. Các chủ đầu tư cũng được yêu cầu xác định rõ nhu cầu sử dụng thực tế, cam kết sử dụng đúng mục đích, tránh lãng phí hoặc gây ách tắc chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, tỉnh đang xem xét áp dụng công nghệ số để quản lý, theo dõi sản lượng khai thác, vận chuyển và phân phối vật liệu xây dựng, giúp nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong điều hành.

Việc bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng không chỉ giúp các dự án hoàn thành đúng tiến độ, mà còn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư công. Với vai trò là địa phương đầu mối của nhiều tuyến giao thông chiến lược quốc gia, Đồng Nai đang trở thành “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng vật liệu cho toàn vùng Đông Nam Bộ.

Trong thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, đồng thời tăng cường cơ chế phối hợp giữa các địa phương giáp ranh để hình thành vùng nguyên liệu ổn định, bền vững, phục vụ cho chiến lược phát triển hạ tầng quốc gia.

Đọc thêm