Khi chính quyền và ngân hàng cùng chung tay giảm nghèo
Xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn giờ không còn khói xám bao phủ do thói quen đốt than mưu sinh nhiều năm trước nữa. Bà con các dân tộc nơi đây đã chuyển sang những nghề mới với sự trợ lực của nguồn vốn chính sách xã hội, trong đó phát triển mạnh hơn thương hiệu Bánh tráng Nhơn Hòa của vùng đất này.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để đầu tư mua thiết bị làm bánh tráng và xây dựng công trình cung cấp nước sạch, làm nhà vệ sinh hợp lý, gia đình anh Trương Thạch Thảo (thôn 7, xã Ea Bar) giờ không chỉ có của ăn mà còn có của để.
Gia đình anh Bùi Văn Tương (thôn 7, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) được vay từ 3 chương trình nối tiếp từ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để nuôi bò sinh sản từ năm 2011 đến năm 2019. Vốn chính sách đã giúp gia đình anh dần bước qua nghèo khó và dần tạo nền tảng phát triển kinh tế bền vững. Đến nay, cơ ngơi lớn nhất là đàn bò của gia đình anh từ 01 con ban đầu, nay đã lên đến 14 con.
Ông Y Sen Kbuôr - Chủ tịch UBND xã Ea Bar - cho biết, toàn xã có 3.669 hộ/17.718 khẩu, trong đó hộ DTTS chiếm 36%, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 20,52%. Hoạt động tín dụng chính sách tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi nâng cao đời sống sớm thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 20,52% xuống còn 12,02% vào cuối năm 2018. Tính đến ngày 15/6/2019, xã Ea Bar đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trong chuyến thăm của Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG tới xã Ea Bar, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng - Trưởng đoàn công tác - đã chấp thuận bổ sung thêm 3 tỷ đồng cho xã để cho vay nước sạch, giải quyết việc làm và hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn.
Không để lọt hộ đủ điều kiện có nhu cầu vay
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh cho biết, trong thời gian qua UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương về thực hiện các Chương trình MTQG. Mặc dù ngân sách tỉnh Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay tỉnh cũng đã ưu tiên bố trí 220 tỷ đồng vốn ủy thác sang NHCSXH, đứng đầu các tỉnh vùng Tây Nguyên và xếp thứ 13 toàn quốc về nguồn vốn ủy thác địa phương.
Năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019, NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đã cho vay hơn 94 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng đạt 2.700 tỷ đồng. Đến ngày 31/8/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.723 tỷ đồng, tăng 354 tỷ đồng (+8,1%) so với năm 2018.
Vốn chính sách đi vào đời sống hiệu quả đã góp phần đưa toàn tỉnh Đắk Lắk đến cuối năm 2018 có 43/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới, là tiền đề để tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2019, ước thực hiện “Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung” trên địa bàn tỉnh đạt từ 3,46% trở lên, lũy kế số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 50 xã, chiếm tỷ lệ 32,9%, đạt kế hoạch giao.
Thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk như: Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giảm nghèo; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân vùng Tây Nguyên, kết quả giải ngân các nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn thấp..., ông Dương Quyết Thắng - Thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG, Tổng Giám đốc NHCSXH – cho rằng đây là những vấn đề mà Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Đắk Lắk cần tìm ra giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Ông Thắng cũng đề nghị địa phương cần tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách xã hội tại các huyện, thành phố, các xã, thị trấn; đảm bảo 100% hộ gia đình người nghèo được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.