Theo báo cáo, Luật Nhà ở 2023, Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định về phát triển quản lý NƠXH đã có những điểm thông thoáng hơn nhiều so với một số quy định cũ. Với riêng Hà Nội, Luật Thủ đô 2024 đã bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ với công tác phát triển NƠXH, như việc lập nhiệm vụ quy hoạch được thực hiện đồng thời với lập quy hoạch chi tiết; sử dụng vốn ngân sách TP để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng NƠXH độc lập.
Nhằm thúc đẩy sự tham gia của các DN tư nhân vào lĩnh vực NƠXH, trong khả năng thẩm quyền của mình, Hà Nội đã triển khai các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi vay, giao đất sạch… giúp DN tiết kiệm chi phí đầu tư, khích lệ sự tham gia của nhà đầu tư (NĐT). Nhưng như vậy vẫn chưa đủ.
Vẫn còn một số rào cản trong việc triển khai các dự án NƠXH như lựa chọn NĐT. Nghị định 25/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu yêu cầu các dự án NƠXH phải đấu thầu lựa chọn NĐT như các dự án thương mại thông thường. Quy trình này khiến nhiều NĐT do dự. Ngoài ra, một số quy định về yêu cầu vốn đầu tư, giá bán, quy trình cấp phép, phê duyệt cũng khiến nhiều dự án bị trì hoãn.
Thực tế, thời gian để hoàn tất thủ tục hành chính cho một dự án NƠXH có thể kéo dài 1,5 - 2 năm. Điều kiện tổ chức đấu thầu lựa chọn NĐT phải có quy hoạch phân khu đô thị (tỉ lệ 1/2000) hoặc quy hoạch chi tiết (tỉ lệ 1/500), trong khi phần lớn các dự án trên địa bàn TP được đề xuất trên cơ sở quy hoạch phân khu đô thị (tỉ lệ 1/5000)...
Đó là lý do Hà Nội kiến nghị xem xét sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật, đặc biệt là việc xây dựng một quy trình riêng trong lựa chọn NĐT cho các dự án NƠXH. Đề xuất các giải pháp như xây dựng quy trình chỉ định thầu với các dự án NƠXH, giảm bớt các thủ tục hành chính và tối ưu hóa cơ chế lựa chọn NĐT, tạo ra sự linh hoạt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Về trình tự, thủ tục đầu tư, lựa chọn NĐT, kiến nghị ban hành quy định rút ngắn thời gian lựa chọn chủ đầu tư, thủ tục đầu tư xây dựng dự án NƠXH. Cho phép triển khai đồng thời giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ tái định cư (giao UBND cấp huyện lập dự án đầu tư công để triển khai) với quá trình tổ chức thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Về quy hoạch, kiến nghị cho phép TP tổ chức đấu thầu lựa chọn NĐT thực hiện dự án NƠXH trên cơ sở chủ trương đầu tư dự án và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc khu đất được xác định theo quy hoạch phân khu đô thị (tỉ lệ 1/50000. Và đặc biệt, TP kiến nghị Quốc hội xem xét xây dựng thông qua Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NƠXH để có cơ sở đẩy nhanh công tác phát triển NƠXH.
Vẫn biết liên quan đất đai, nhà cửa, là những vấn đề rất phức tạp. Nhưng để cơ quan và cán bộ chức năng, nhà đầu tư yên tâm trong công tác xây dựng NƠXH, thì những đề xuất của Hà Nội là rất đáng xem xét. Và các địa phương cũng mong mỏi từ những thành công tại Hà Nội, kinh nghiệm, mô hình này cũng sẽ được nhân rộng ra các tỉnh, thành; góp phần giải quyết “bài toán” an cư cho người dân thu nhập thấp.